Báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2024, Chính phủ cho biết, các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá cao triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Đặc biệt, các chỉ số, xếp hạng quốc tế về phát triển, cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tỷ trọng kinh tế số đều được cải thiện đáng kể. Đó là những đánh giá khách quan, có cơ sở khoa học và thực tiễn chuẩn mực không dễ gì tự phong cho mình được. Đó là nỗ lực vượt khó chung của người dân và doanh nghiệp, là kết quả của việc thực hiện quyết liệt, đồng bộ, thực chất, hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp và kịp thời có đối sách xử lý ngay những vấn đề mới phát sinh của tình hình[1].
Quốc tế nhìn vào như vậy, còn người dân trong nước thấy rõ những chuyển biến tích cực của nền kinh tế qua một loạt dự án hạ tầng với các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, dự án 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối, các tuyến metro ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh… hoàn thành; tiến độ khẩn trương của các tuyến cao tốc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trung du miền núi phía Bắc, duyên hải - Tây Nguyên, các tuyến đường vành đai 3, 4 của TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, 2 dự án cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức…
Trong một thế giới đầy rủi ro do cạnh tranh địa chính trị, địa kinh tế, dòng vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Việt Nam trong cả năm 2024 đạt 38,23 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện ước đạt khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm trước đó, đánh dấu mức giải ngân cao nhất từ trước đến nay là con số đáng lưu ý, bởi đây là dự án mới làm gia tăng năng lực sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.
Mới đây nhất là việc Quốc hội quyết định chủ trương xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và khởi động lại dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận. Chưa kể nhiều dự án công nghiệp, năng lượng lớn của các tập đoàn kinh tế nhà nước và tư nhân. Các dự án quan trọng quốc gia, các dự án lớn của doanh nghiệp sẽ thu hút nguồn lực tài chính đầu tư rất lớn, tạo ra nhiều việc làm, khuyến khích chuyển giao, đổi mới, nghiên cứu sáng tạo công nghệ, thúc đẩy đổi mới giáo dục và đào tạo, đổi mới tác phong, lề lối làm việc theo hướng hiện đại, thay đổi suy nghĩ, tư duy, cuộc sống theo hướng văn minh của người dân. Tất cả sẽ dẫn tới thay đổi căn bản bộ mặt quốc gia, quy mô và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, theo sát các mục tiêu phát triển vào các mốc lịch sử 100 năm thành lập Đảng (2030) và 100 năm thành lập nước (2045) mà Đảng ta đã xác định.
Hơn thế nữa, với những thành quả bước đầu của quá trình chuyển đổi số, xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại - “phương thức sản xuất số”[2], chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh và cuộc cách mạnh về tinh giản bộ máy theo hướng tinh - gọn - hiệu lực - hiệu quả… rõ ràng đã tạo ra những cơ hội, tiềm năng, động lực mới cho phát triển với tốc độ cao hơn giai đoạn vừa qua.
Trước mắt cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu tăng trưởng GDP của năm 2024 và năm 2025, trong đó phấn đấu thực hiện mục tiêu tăng trưởng 2 con số ngay từ thời gian này, đây là vấn đề chúng ta hoàn toàn có cơ sở để làm được[3]. Ý chí mạnh mẽ của người đứng đầu Đảng và Nhà nước đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân, doanh nghiệp và kỳ vọng vào một kỷ nguyên mới vươn mình của dân tộc, bởi lẽ những chuyển biến tích cực hiện nay trong một số ngành và lĩnh vực động lực đã khá rõ và người dân có thể nhìn thấy, cảm nhận, trải nghiệm và thực hành được.
Những lĩnh vực chuyển đổi số mạnh mẽ mà người dân cảm nhận được có lẽ là tài chính số và thương mại điện tử. Các ngân hàng truyền thống, các fintech với các siêu ứng dụng trên nền tảng di động đã lan tỏa tài chính toàn diện tới mọi người dân, ngõ ngách, vùng sâu, vùng xa. Giờ đây người dân có thể mở tài khoản, thanh toán, quản lý tài chính cá nhân… nhờ những tiến bộ mới nhất của công nghệ, nhất là trí tuệ nhân tạo. Nhờ các sàn/nền tảng thương mại điện tử mà người dân, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp có thể đưa hàng hóa của mình tới mọi miền đất nước hay tiêu thụ trên thị trường quốc tế. Chẳng thế mà mua sắm trực tuyến từ hàng hóa, dịch vụ đến lưu trú, ăn uống và lữ hành đã trở nên phổ biến, thông dụng, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng mức bán lẻ hàng hóa của cả nước.
Dịch vụ công trên nền Chính phủ số, xã hội số, công dân số cũng có bước phát triển vượt bậc được người dân và doanh nghiệp hào hứng đón nhận. Điển hình là siêu ứng dụng VneID trên thiết bị di động tích hợp mọi giấy tờ, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thông tin cá nhân của công dân vô cùng tiện lợi. Rồi các giao dịch giữa Nhà nước và công dân, doanh nghiệp được số hóa cũng làm giảm bớt các thủ tục hành chính, giảm phiền hà, tham nhũng vặt, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Một chuyển biến vô cùng quan trọng nữa là nhận thức của người dân, doanh nghiệp về các vấn đề môi trường, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, tài chính xanh, chứng chỉ carbon, zero khí thải… đang dần chuyển thành hành động thực tế với nhiều dự án năng lượng tái tạo, xử lý rác thải, nước thải, cải tạo kênh rạch, dòng chảy, chuyển đổi công nghệ, quy trình trong công nghiệp, sản phẩm, kỹ thuật canh tác trong nông nghiệp… đến tiêu dùng trở nên thân thiện với môi trường.
Với các chiến lược phát triển các ngành công nghiệp mới như vi mạch, bán dẫn, hydrogen, nghiên cứu phát triển trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, hình thành các trung tâm tài chính quốc tế, các trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và triển khai công nghệ cao R&D... chắc chắn Việt Nam sẽ thu hút được nguồn vốn đầu tư quốc tế và nguồn nhân lực chất lượng cao từ các tập đoàn đa quốc gia vào các lĩnh vực động lực này.
Cơ sở và nền tảng cho tất cả quá trình chuyển đổi đó chính là thể chế, khung khổ pháp luật luôn được Nhà nước ta rà soát, hoàn thiện, bổ sung, cập nhật, trong đó có nhiều dự án luật được Chính phủ xây dựng, Quốc hội xem xét, thảo luận, thông qua theo quy trình rút gọn để theo kịp yêu cầu của thực tiễn, tháo gỡ được những vướng mắc pháp lý, điểm nghẽn trong phát triển. Nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, thử nghiệm có kiểm soát sandbox đã được ban hành phù hợp với sự phát triển như vũ bão của khoa học, công nghệ và cơ hội, thời cơ bứt phá về phía trước.
Tiếp xúc cử tri Hà Nội sau kỳ họp cuối năm 2024 của Quốc hội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu Việt Nam phải “chạy thật nhanh để đuổi kịp với thế giới” và nhấn mạnh “không thể chậm trễ được nữa bởi đây là thời cơ và để lỡ thời cơ là có lỗi với đất nước, với Nhân dân”[4]. Lời hiệu triệu của người lãnh đạo cao nhất của đất nước được người dân, cộng đồng doanh nghiệp đồng tình, hưởng ứng tích cực.
Với tâm thế đó, Nhân dân tin tưởng rằng, cho dù tình hình thế giới còn nhiều biến động khó lường, nguy cơ thiên tai, dịch bệnh tiềm ẩn, nhưng triển vọng kinh tế của đất nước trong năm mới Ất Tỵ đầy ắp các sự kiện lịch sử: 95 năm ngày thành lập Đảng, 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 80 năm ngày thành lập nước, năm của đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14 nhất định sẽ tích cực hơn năm 2024, tạo tiền đề cho giai đoạn tăng trưởng bứt phá trong kế hoạch 5 năm tiếp theo 2026 - 2030.
[1] Báo cáo số 646/BC-CP ngày 14.10.2024 của Chính phủ gửi Quốc hội, trang 5.
[2] Tổng Bí thư Tô Lâm, “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”, Đại biểu Nhân Dân, ngày 2.9.2024.
[3] Tổng Bí thư Tô Lâm, “Tạo sự thống nhất cao trong toàn hệ thống chính trị về chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy trong tình hình mới; phấn đấu thực hiện mục tiêu tăng trưởng hai con số; chuẩn bị tốt đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng”, Tạp chí Cộng sản, ngày 1.12.2024.
[4] “Tổng Bí thư Tô Lâm: Thời cơ đã đến, để lỡ là có lỗi với Nhân dân”, tuoitre.vn ngày 3.12.2024.