Hơn 67% thép nhập khẩu là từ Trung Quốc
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, tháng 1.2024, cả nước nhập khẩu 1,49 triệu tấn sắt thép, tương đương gần 1,06 tỷ USD, tăng 151,2% về khối lượng, tăng 101,6% về kim ngạch so với tháng 1.2023.
Trung Quốc đứng đầu về thị trường cung cấp sắt thép cho Việt Nam, chiếm 67,6% tổng lượng và chiếm 60% tổng kim ngạch, đạt gần 1,01 triệu tấn, tăng 25,7% về lượng, tăng 24% về kim ngạch so với tháng 12.202. Đặc biệt, nếu so với tháng 1.2023 thì nhập khẩu sắt thép từ Trung Quốc tăng 376,4% về lượng và tăng 247% về kim ngạch nhưng giá lại giảm 27,2%.
Đáng chú ý, nhập khẩu thép vào Việt Nam tăng mạnh từ năm 2023 đến nay; năm 2023, nhập khẩu thép thành phẩm các loại về Việt Nam khoảng 13,33 triệu tấn, trị giá hơn 10,4 tỷ USD, tăng 14,07% về lượng nhưng giảm 12,55% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 2 tháng đầu năm 2024, lượng sắt thép nhập khẩu về Việt Nam là gần 2,65 triệu tấn, tăng gấp gần 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thép nhập từ Trung Quốc chiếm 1,8 triệu tấn, cao gấp 3 lần về lượng và gấp 2,4 lần về trị giá.
Diễn biến này khiến nhiều doanh nghiệp thép lo lắng khi công suất sản xuất của ngành đang quanh mức 29 - 30 triệu tấn/năm, vượt nhu cầu sử dụng trong nước.
Xuất khẩu đối diện hai rào cản
Ở chiều xuất khẩu, thép Việt Nam đã và sẽ bị ảnh hưởng do chủ nghĩa bảo hộ của các nước và những yêu cầu về phát thải carbon.
Cụ thể, từ năm 2004 đến nay, đã có hơn 70 vụ việc điều tra có tác động đến thép xuất khẩu từ Việt Nam như chống bán phá giá, chống trợ cấp, chống lẩn tránh...
Ngành thép Việt Nam hiện đứng thứ 14 thế giới về xuất khẩu với hơn 30 thị trường. Khoảng 25 - 30% sản lượng thép xuất khẩu là sang thị trường Liên minh châu Âu (EU). Thép Việt chiếm khoảng 16% thị phần thép xuất khẩu vào thị trường này mỗi năm. Tuy vậy, từ đầu năm nay, xuất khẩu thép vào EU phải tuân thủ một số quy định mới - cũng là những thách thức, rào cản lớn buộc ngành thép phải vượt qua.
Rào cản đầu tiên là các biện pháp tự vệ. EU sẽ tiếp tục duy trì biện pháp tự vệ với thép nhập khẩu vào EU đến 30.6.2024. Việt Nam để được miễn thuế tự vệ sẽ phải duy trì tỷ trọng xuất khẩu ở dưới mức 3% tổng kim ngạch EU nhập nhẩu đối với từng loại sản phẩm, nếu vượt hạn ngạch, mức thuế nhập khẩu phải nộp cho phần vượt là 25%.
Rào cản thứ hai là cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) sẽ hướng tới việc đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường các nước thuộc EU, dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất nước sở tại. Hiện tại cơ chế này đang ở giai đoạn 1 khi các doanh nghiệp xuất khẩu trong đó có các doanh nghiệp thép phải khai báo mức phát thải. Tuy vậy trong tương lai, khi cơ chế CBAM bước vào các giai đoạn tiếp theo, các doanh nghiệp thép trong đó có Việt Nam bắt buộc phải mua chứng chỉ phát thải CBAM từ năm 2026 sẽ làm gia tăng chi phí, khó cạnh tranh về mặt giá trị nếu các doanh nghiệp không lên kế hoạch giảm lượng khí thải carbon trong sản xuất.
Tăng cường các biện pháp phòng vệ
Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) Nghiêm Xuân Đa cho biết, tiêu thụ trong nước sụt giảm, xuất khẩu khó khăn trong khi sản phẩm nhập khẩu ùn ùn khiến các doanh nghiệp lao đao.
Vấn đề đáng quan tâm, theo Chủ tịch VSA, đó là theo quy định của Việt Nam, thép không nằm trong mặt hàng nhóm 2 gây mất an toàn nên không thuộc đối tượng phải kiểm tra chuyên ngành về chất lượng sản phẩm hàng hóa. Trong khi thép Việt xuất khẩu sang các nước phải có giấy chứng nhận sản phẩm theo tiêu chuẩn của riêng từng nước khá khắt khe thì Việt Nam vẫn chấp nhận tiêu chuẩn do doanh nghiệp tự soạn và công bố.
Bên cạnh đó, thép nhập khẩu đa phần được hưởng mức thuế 0% trong khi thép Việt Nam xuất khẩu sang nhiều nước phải chịu thuế rất cao. Hơn nữa, các biện pháp phòng vệ thương mại - như tự vệ phôi thép - đã bị dỡ bỏ; các sản phẩm thép khác như tôn mạ, tôn màu, thép cuộn cán nóng (HRC), ống thép, thép dự ứng lực... đều không phải chịu bất kỳ biện pháp phòng vệ thương mại nào.
Trước thực tế này, VSA nhiều lần kiến nghị xem xét xây dựng quy trình, thủ tục kiểm tra chất lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam. Theo đó thép nhập khẩu cần phải có giấy chứng nhận tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam trước khi nhập khẩu. Tăng cường điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp để hạn chế sản phẩm thép cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước.
Cùng với đó, VSA kiến nghị Chính phủ cần hỗ trợ về tài chính để khuyến khích các nhà sản xuất thép nâng cấp kỹ thuật sản xuất nhằm giảm tiêu thụ năng lượng và phát thải carbon, đồng thời loại bỏ dần năng lực sản xuất lạc hậu.