Luật Đất đai (sửa đổi)

Đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn và phù hợp với xu thế phát triển

- Chủ Nhật, 04/02/2024, 21:19 - Chia sẻ

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký chứng thực Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua vào Kỳ họp bất thường lần thứ Năm. Đạo luật này đã thể chế hóa khá đầy đủ, toàn diện Nghị quyết số 18-NQ/TW, trong đó có nhiều chính sách mới, có tính đột phá nhằm giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, phù hợp với xu thế phát triển.

Có tác động sâu rộng đến các tầng lớn nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là một đạo luật lớn, có tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Vì những lý do này, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan chuẩn bị rất trách nhiệm, kỹ lưỡng, công phu qua nhiều vòng, nhiều bước. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật tại 7 phiên họp; Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình 4 kỳ họp.

Luật được xây dựng trên cơ sở tổng kết kỹ lưỡng quá trình thi hành Luật Đất đai năm 2013, giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, bám sát và thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, định hướng chính sách trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, của Quốc hội; thể chế hóa 3 mục tiêu tổng quát, 6 mục tiêu cụ thể, 6 nhóm giải pháp và 8 nhóm chính sách lớn tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao".

Trong phát biểu bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặc biệt nhấn mạnh, việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp này, cùng với Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ Sáu vừa qua và có hiệu lực đồng thời từ ngày 1.1.2025 đã đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Với quá trình hoàn thiện Luật đã được đầu tư nhiều công sức, trí tuệ, với sự tham gia của tất cả các cơ quan trong hệ thống chính trị và toàn xã hội, các chuyên gia cho rằng, Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội biểu quyết thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ Năm là đạo luật có chất lượng tốt, kế thừa và có bước tiến quan trọng so với Luật Đất đai năm 2013. Đạo luật này có vai trò quan trọng trong định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với mục tiêu tạo hành lang pháp lý cho quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên đất, phát huy cao nhất nguồn lực đất đai để đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bốn nhóm chính sách mới, mang tính đột phá

Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 260 điều, trong đó đã tập trung hoàn thiện các quy định, chính sách về quy hoạch, giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số… qua đó thể chế hóa khá đầy đủ, toàn diện Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Theo các chuyên gia, đạo luật có 4 nhóm chính sách mới, mang tính đột phá. Thứ nhất, là quy định về các quy hoạch quốc gia cũng như quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất phải bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ. Nội dung quy hoạch sử dụng đất phải kết hợp giữa chỉ tiêu các loại đất gắn với không gian, phân vùng sử dụng đất, hệ sinh thái tự nhiên (Chương V, từ Điều 60 đến Điều 77).

Thứ hai, Luật đã hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Trong đó, việc giao đất, cho thuê đất được xác định thực hiện chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Quy định chặt chẽ các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất; các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất (Chương IX, từ Điều 116 đến 127).

Thứ ba, quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, căn cứ, điều kiện thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và việc bố trí tái định cư phải được hoàn thành trước khi có quyết định thu hồi đất... (Chương VI, từ Điều 78 đến Điều 90; Chương VII, từ Điều 91 đến Điều 111).

Thứ tư, tại Luật Đất đai (sửa đổi) đã hoàn thiện cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Quy định cụ thể các phương pháp định giá đất và trường hợp, điều kiện áp dụng các phương pháp định giá đất cụ thể.

Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2025, nhưng riêng Điều 190 (về hoạt động lấn biển) và Điều 248 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lâm nghiệp) sẽ có hiệu lực thi hành sau hai tháng nữa (từ ngày 1.4.2024). Trong đó, Điều 248, Luật Đất đai (sửa đổi) sửa đổi và bổ sung quy định tại các Điều 20, Điều 53 của Luật Lâm nghiệp hiện hành về thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng; quy định nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng đặc dụng.

Cụ thể, thay vì quy định thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng theo 3 cấp, gồm Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và HĐND cấp tỉnh với hạn mức của từng loại rừng cụ thể như tại Luật Lâm nghiệp, tại Điều 248 quy định rõ, HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trừ trường hợp thực hiện dự án thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, HĐND cấp tỉnh chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, Luật Dầu khí.

Điều 248, Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực thi hành sớm nhằm rút ngắn thời gian quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia về giao thông và truyền tải điện, các dự án đầu tư công. Qua đó, làm tăng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công cho dự án, các dự án sớm đi vào hoạt động sẽ sớm phát huy quả và thúc đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.

Với tính chất quan trọng đặc biệt của Luật Đất đai, việc Quốc hội thông qua được một đạo luật có chất lượng tốt là hết sức quan trọng và tới đây, điều quan trọng hơn nữa là phải tổ chức thực thi hiệu quả các quy định mới, đột phá của luật. Đây cũng là điều được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặc biệt lưu ý khi phát biểu bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ Năm.

Cụ thể, Chủ tịch Quốc hội đã đề nghị Chính phủ bố trí đủ nguồn lực, chuẩn bị ngay các điều kiện bảo đảm, ban hành và triển khai kế hoạch cụ thể để nhanh chóng đưa Luật vào cuộc sống. Trong đó, khẩn trương xây dựng, ban hành theo thẩm quyền và chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ ban hành kịp thời các văn bản quy định chi tiết; hướng dẫn việc chuyển tiếp đúng quy định, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đất đai, hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đa mục tiêu và kết nối liên thông. Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về đất đai bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; loại bỏ khâu trung gian, thực hiện phân cấp, phân quyền theo quy định của Luật. Đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra và kiểm soát quyền lực; giải quyết hiệu quả trên thực tế những tồn tại, vướng mắc có liên quan đến quản lý và sử dụng đất, thị trường quyền sử dụng đất và thị trường bất động sản nói chung. 

Thanh Hải
#