Cùng dự có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên; Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Thiếu tướng Trần Đức Thuận; Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng; Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng Bế Minh Đức; Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình Nguyễn Văn Huy; Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên Lê Tấn Hổ; lãnh đạo các sở, ngành của Phú Yên.
Đoàn đã khảo sát thực tế tại trận địa súng máy phòng không 12,7 mm và làm việc với UBND tỉnh Phú Yên.
Phú Yên là tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ, có hệ thống giao thông thuận tiện để phát triển kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng. Đây cũng là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng trong thế trận phòng thủ của Quân khu 5, là địa bàn trọng điểm về phòng không nhân dân. Những năm qua, xác định công tác phòng không nhân dân là nội dung quan trọng trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận chiến tranh nhân dân nên Phú Yên đặc biệt quan tâm, chỉ đạo thực hiện.
Trong thời gian qua, nhiệm vụ xây dựng thế trận phòng không nhân dân, thực hiện các nội dung công tác này thời bình được Phú Yên thường xuyên quan tâm, triển khai, thực hiện huấn luyện.
Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo Phòng không nhân dân hiện không được tổ chức ở cấp xã, thị trấn, do vậy việc triển khai thực hiện còn khó khăn. Quy định trách nhiệm, quyền hạn quản lý, điều hành, giám sát đối với phương tiện bay siêu nhẹ, tàu bay không người lái còn chồng chéo, chưa thống nhất. Kinh phí, ngân sách bảo đảm cho hoạt động phòng không nhân dân còn hạn chế. Chế độ, chính sách cho lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ tham gia huấn luyện, diễn tập còn thấp.
Việc huy động nguồn lực xã hội hóa để đầu tư ngân sách cho xây dựng các công trình, mua sắm phục vụ cho công tác phòng không nhân dân còn hạn chế, bất cập do thiếu cơ chế, chính sách. Chế độ ưu đãi, chính sách khuyến khích đối với cán bộ tham gia công tác này còn hạn chế.
Tại cuộc khảo sát, làm việc, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự TP. Tuy Hòa, Thượng tá Lê Hoàng Kỳ đề xuất Trung ương quan tâm, xem xét đối với chính sách bảo đảm cho lực lượng huy động phòng không nhân dân kiêm nhiệm khi được huy động tham gia công tác này phù hợp với Luật Dân quân tự vệ và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Ban Chỉ đạo Phòng không nhân dân tỉnh Phú Yên kiến nghị, hiện dự án Luật Phòng không nhân dân chưa có quy định cụ thể về cơ quan, đơn vị nào giám sát, quản lý nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, lắp ráp; mua bán trao đổi tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ cũng như cơ quan chủ trì về việc xử lý như: Đình chỉ bay, phạt hành chính, tạm thu, tịch thu phương tiện hay các chế tài xử phạt khác. Do vậy, việc nhanh chóng bổ sung, ban hành về các quy định này là hết sức cần thiết.
Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Yên, Thượng tá Cao Văn Mười kiến nghị, cần nghiên cứu bổ sung trong dự thảo Luật Phòng không nhân dân điều khoản quy định về thời hạn kiểm định đối với phương tiện tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ, để hạn chế tối đa nhất tình trạng "độ, chế" làm thay đổi kết cấu ban đầu của phương tiện, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự của địa phương.
Ghi nhận các ý kiến, kiến nghị tại cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Đỗ Quang Thành đánh giá cao công tác chuẩn bị về thao trường cũng như các chỉ số và nội dung liên quan; cho biết sẽ tổng hợp, báo cáo Ủy ban Quốc phòng và An ninh phục vụ việc thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật này tới đây.
Dự thảo Luật Phòng không nhân dân gồm 8 chương với 54 điều với các quy định về: Nguyên tắc tổ chức hoạt động phòng không nhân dân; chính sách của Nhà nước về phòng không nhân dân; nhiệm vụ phòng không nhân dân; trọng điểm phòng không nhân dân; hành vi bị nghiêm cấm trong xây dựng, huy động, hoạt động phòng không nhân dân; xây dựng, huy động lực lượng phòng không nhân dân; hoạt động phòng không nhân dân...