Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Nguyễn Duy Minh chủ trì hội nghị. Tham dự có lãnh đạo Cục thuế thành phố, Cục Hải quan; Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công an thành phố cùng đại diện các Chi Cục thuế trên địa bàn.
Theo Trưởng đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh miền Trung - Tây Nguyên (VCCI) Nguyễn Tiến Quang, hiện nay, ba dự án Luật nói trên đang lấy ý kiến góp ý với nhiều sửa đổi quan trọng, thu hút sự quan tâm rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp.
Đối với Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), đại diện VCCI cho rằng, Điều 6.1 của dự thảo bổ sung quy định trao quyền cho cơ quan thuế thực hiện ấn định thuế khi giá bán của hàng hóa, dịch vụ không theo giá giao dịch thông thường trên thị trường theo pháp luật về quản lý thuế.
Tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp, quy định này chưa bảo đảm tính minh bạch do chưa làm rõ khái niệm “giá giao dịch thông thường trên thị trường” cũng như công thức để tính toán giá tính thuế ấn định. Do đó, quy định này thường gây ra tranh cãi giữa doanh nghiệp và cơ quan thuế.
Ngoài ra, đại diện VCCI cũng nêu quan điểm, với mặt hàng rượu, bia và thuốc lá, dự thảo hiện đề xuất mức tăng thuế rất mạnh và tốc độ tăng thuế rất nhanh sẽ khiến các doanh nghiệp không thể điều chỉnh công suất sản xuất phù hợp với sự sụt giảm sản lượng tiêu thụ do chính sách thuế. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu đưa ra lộ trình tăng thuế phù hợp với các loại mặt hàng này.
Với mặt hàng xăng, doanh nghiệp phản ánh phải chịu cùng lúc hai loại thuế có cùng tính chất hạn chế tiêu dùng là thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường. Xăng không phải mặt hàng xa xỉ, nên việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng cũng là nhằm bảo vệ môi trường. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng…
Đối với dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), nhiều đại biểu kiến nghị cơ quan soạn thảo giải thích rõ lý do đưa quy định “chi phí không được trừ" vào dự thảo Luật. Trong trường hợp các lý do không thuyết phục hoặc có nguy cơ bị lạm dụng thì đề nghị cân nhắc thêm trước khi đưa vào. Đối với Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), một số doanh nghiệp chế xuất hiện phản ánh tình trạng họ đang phải nộp thuế giá trị gia tăng hai lần cho cùng một lượng hàng hóa bán vào nội địa.
Theo đó, khi doanh nghiệp trong khu chế xuất bán hàng hóa vào nội địa sẽ phải mở tờ khai nhập khẩu và doanh nghiệp đó (hoặc người nhập khẩu) phải nộp thuế giá trị gia tăng một lần cho lượng hàng hóa này cho cơ quan hải quan.
Đến kỳ kê khai thuế giá trị gia tăng, cơ quan thuế tiếp tục yêu cầu doanh nghiệp kê khai và nộp thuế giá trị gia tăng một lần nữa cho doanh thu từ lượng hàng hóa này. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ theo hướng doanh nghiệp chế xuất khi bán hàng hóa vào nội địa sẽ phải nộp thuế giá trị gia tăng khi làm thủ tục hải quan mà không phải nộp thuế giá trị gia tăng cho hàng hóa đó theo kỳ tính thuế nữa.
Tại hội nghị, lãnh đạo Cục thuế thành phố, Cục Hải quan thành phố cũng đã nêu lên một số khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện ba dự án Luật về thuế nói trên, đồng thời đưa ra nhiều kiến nghị, giải pháp để sửa đổi, điều chỉnh.
Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng Nguyễn Duy Minh cho biết, sắp tới thành phố sẽ triển khai Khu thương mại tự do tại Cảng Liên Chiểu. Do đó, các cơ quan liên quan đến quản lý hoạt động thuế cần có những tham mưu, đề xuất để hoàn thiện hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp hoạt động ở khu vực này.
Ghi nhận, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của các cơ quan, đơn vị liên quan, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Nguyễn Duy Minh nhấn mạnh rằng, sẽ chuyển những ý kiến này đến Tổng Thư ký Văn phòng Quốc hội để hoàn thiện.