Chất lượng giáo dục được nâng lên qua từng năm
Xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ quan trọng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý của tỉnh Cao Bằng luôn được quan tâm, đầu tư phát triển số lượng, chất lượng và đang dần được hoàn thiện về cơ cấu.

Toàn cảnh buổi giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh tại Sở Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: Mai Phương
Để thực hiện lộ trình nâng cao chuẩn trình độ đào tạo đối với viên chức, giai đoạn 2021 - 2024, Sở Giáo dục - Đào tạo đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển khai công tác bồi dưỡng, tổ chức được 659 lớp, với 43.931 lượt người tham gia bồi dưỡng và 92 nội dung; đào tạo được 2.243 người, nâng chuẩn trình độ đào tạo toàn ngành năm 2024 đối với giáo viên mầm non đạt 98,67%, tiểu học đạt 92,7%, THCS đạt 97,81%, THPT đạt 100%. Đối với công tác đào tạo sau đại học, giai đoạn 2021 - 2024, toàn ngành có: 2 người đi đào tạo trình độ tiến sĩ, 88 người đi đào tạo trình độ thạc sĩ... Nhìn chung, chất lượng đội ngũ của ngành giáo dục đào tạo bảo đảm về số lượng và đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định.
Cũng trong những năm qua, công tác giáo dục chuyên nghiệp được quan tâm, đẩy mạnh. Giai đoạn 2021-2024, tỉnh có 7.065/17.169 học sinh đỗ đại học và cao đẳng, chiếm 41,1% học sinh tốt nghiệp THPT, trong đó học sinh đỗ đại học là 6.456, chiếm 37%. Giáo dục mũi nhọn được quan tâm đầu tư, năm 2021 tỉnh Cao Bằng có 5 giải học sinh giỏi quốc gia; đến năm 2023 - 2024, có 34 giải quốc gia; năm học 2024 - 2025, có 41 giải quốc gia và 1 giải quốc tế…
Dưới sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Sở Giáo dục - Đào tạo đã phối hợp với các đơn vị liên quan soát, sắp xếp lại mạng lưới trường lớp, thực hiện giảm số trường, giảm số học sinh ở trường lẻ, tăng số học sinh ở trường chính để tập trung đầu tư. Từ năm 2021 đến 2024, toàn tỉnh Cao Bằng đã giảm 4 trường và 116 điểm trường...
Đề xuất một số chính sách đặc thù
Tại buổi làm việc, các đại biểu trao đổi, làm rõ về một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến: việc tuyển dụng viên chức ngành giáo dục và đào tạo còn chưa đạt chỉ tiêu, nhất là đội ngũ giáo viên môn Tin học, tiếng Anh do thiếu nguồn; chính sách thu hút đối với sinh viên, viên chức, giáo viên có chất lượng còn ít hấp dẫn, nguồn nhân lực cao sau khi đào tạo quay trở lại địa phương chưa nhiều; kinh phí đầu tư cho giáo dục còn nhiều hạn chế, đặc biệt nguồn kinh phí đầu tư cho cơ sở vật chất, đào tạo, bồi dưỡng…

Học sinh Trường THPT trên địa bàn tỉnh học môn Tin học văn phòng. Ảnh: Mai Phương
Từ thực tế trên, các giải pháp giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, công tác biệt phái giáo viên; việc đầu tư cơ sở vật chất của Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh và giải pháp để đưa thành trung tâm đào tạo lớn cho phát triển nguồn nhân lực của tỉnh... đã được tập trung hiến kế. Bên cạnh đó, là công tác tham mưu cho tỉnh chính sách thu hút nhân tài đối với sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc sau khi tốt nghiệp; thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh về thu hút nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực giáo dục; phân luồng, định hướng nghề nghiệp, liên kết tư vấn, đào tạo nghề thiết thực để giải quyết việc làm cho học sinh sau tốt nghiệp phổ thông; các chính sách đặc thù về thành tích cao, chính sách hỗ trợ giáo viên vùng khó…
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bế Minh Đức đề nghị, ngành giáo dục và đào tạo khắc phục khó khăn do thiếu giáo viên, nhất là giáo viên các bộ môn đặc thù. Bổ sung, hoàn thiện báo cáo nêu rõ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các chính sách, pháp luật liên quan; trong đó, có công tác phát triển nguồn nhân lực. Đồng thời, chuyển các kiến nghị để các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Kết quả giám sát là cơ sở để Đoàn ĐBQH tỉnh đề xuất, kiến nghị đến Trung ương, Quốc hội, Chính phủ trong ban hành các chính sách đặc thù liên quan đến phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao.