Báo cáo về thực hiện nhiệm vụ đại biểu tại tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thường lệ cuối năm của Quốc hội
Với Quốc hội, Nghị quyết nêu rõ, các hình thức tiếp xúc cử tri định kỳ trước và sau kỳ họp thường lệ của Quốc hội.
Với tiếp xúc cử tri định kỳ trước kỳ họp thường lệ của Quốc hội, Nghị quyết quy định: Trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội, ĐBQH có trách nhiệm tiếp xúc cử tri ở địa phương mình ứng cử hoặc chuyển sinh hoạt đến để báo cáo dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp Quốc hội và những vấn đề có liên quan đến kỳ họp; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri, thu thập ý kiến, kiến nghị của cử tri. ĐBQH có thể lựa chọn những nội dung Quốc hội sẽ thảo luận, xem xét, thông qua tại kỳ họp để báo cáo, trao đổi với cử tri, gợi mở những vấn đề quan tâm để cử tri tham gia ý kiến.

Với tiếp xúc cử tri định kỳ sau kỳ họp thường lệ của Quốc hội, sau ngày bế mạc kỳ họp Quốc hội, ĐBQH có trách nhiệm tiếp xúc cử tri ở địa phương mình ứng cử hoặc chuyển sinh hoạt đến để báo cáo về kết quả kỳ họp Quốc hội, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; phổ biến các luật, nghị quyết và những quyết định khác mà Quốc hội đã thông qua; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri, thu thập ý kiến, kiến nghị của cử tri; đồng thời động viên Nhân dân thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, chính sách, pháp luật của nhà nước. Trưởng Đoàn ĐBQH thay mặt Đoàn ĐBQH hoặc phân công ĐBQH trong Đoàn báo cáo kết quả kỳ họp Quốc hội tại kỳ họp HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc báo cáo với cử tri thông qua phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương.
Tại hoạt động tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thường lệ cuối năm của Quốc hội, kết hợp với việc tiếp xúc cử tri, ĐBQH báo cáo với cử tri về việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu của mình và chương trình hành động đã hứa trước cử tri khi vận động bầu cử.
Nghị quyết cũng quy định rõ về tiếp xúc cử tri định kỳ trước và sau kỳ họp thường lệ của HĐND. Theo đó, Thường trực HĐND phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp xây dựng kế hoạch tổ chức tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thường lệ của HĐND và căn cứ vào tình hình thực tiễn để quyết định việc tổ chức tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thường lệ của HĐND. Trước ngày khai mạc kỳ họp, Thường trực HĐND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam và Tổ đại biểu HĐND cấp đại biểu được bầu có trách nhiệm tổ chức để đại biểu HĐND tiếp xúc cử tri thu thập ý kiến, nguyện vọng của cử tri về những vấn đề thuộc chương trình, nội dung kỳ họp và ý kiến, kiến nghị của cử tri với HĐND và các cơ quan nhà nước có liên quan ở địa phương.
Trước ngày khai mạc kỳ họp, Tổ trưởng Tổ đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện có trách nhiệm báo cáo kết quả tiếp xúc cử tri và gửi đến Thường trực HĐND cùng cấp; các đại biểu HĐND cấp xã có trách nhiệm báo cáo kết quả tiếp xúc cử tri và gửi đến Thường trực HĐND cấp xã.
Trong trường hợp tổ chức tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thì sau ngày bế mạc kỳ họp, Thường trực HĐND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam và Tổ đại biểu HĐND cấp đại biểu được bầu có trách nhiệm tổ chức để đại biểu HĐND tiếp xúc cử tri báo cáo kết quả kỳ họp, phổ biến nghị quyết của HĐND và vận động Nhân dân thực hiện nghị quyết đó.
Tạo điều kiện để đại biểu tiếp xúc cử tri nơi cư trú và nơi làm việc
Về tiếp xúc cử tri nơi cư trú, khi ĐBQH có đề nghị tiếp xúc cử tri nơi cư trú, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh hoặc cơ quan, tổ chức nơi ĐBQH làm việc có trách nhiệm liên hệ với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã nơi ĐBQH cư trú để tổ chức tiếp xúc cử tri.

Cử tri phát biểu ý kiến tại Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề giữa Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng với công nhân, viên chức và người lao động trên địa bàn. Nguồn: ldld.caobang.gov.vn
Khi đại biểu HĐND có đề nghị tiếp xúc cử tri nơi cư trú thì đại biểu HĐND cấp tỉnh, đại biểu HĐND cấp huyện trực tiếp hoặc thông qua Thường trực HĐND cùng cấp liên hệ với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã nơi đại biểu cư trú để tiếp xúc cử tri. Đại biểu HĐND cấp xã trực tiếp hoặc thông qua Thường trực HĐND liên hệ với UBND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp để tiếp xúc cử tri.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã nơi ĐBQH, đại biểu HĐND cư trú phối hợp với Thường trực HĐND, UBND cùng cấp và các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức tiếp xúc cử tri của ĐBQH, đại biểu HĐND; thông báo nội dung, thời gian, địa điểm tiếp xúc cho cử tri được biết; đồng thời, tuyên truyền, vận động cử tri tham dự tiếp xúc cử tri của ĐBQH, đại biểu HĐND.
UBND cấp xã, nơi ĐBQH, đại biểu HĐND cư trú bố trí địa điểm, tạo điều kiện thuận lợi để ĐBQH, đại biểu HĐND tiếp xúc cử tri; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn cho hoạt động tiếp xúc cử tri.
Trong trường hợp tại đơn vị hành chính cấp huyện không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã thì Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện nơi ĐBQH cư trú có trách nhiệm phối hợp với Thường trực HĐND, UBND cùng cấp và các cơ quan, tổ chức có liên quan để tổ chức cho ĐBQH tiếp xúc cử tri.
Với tiếp xúc cử tri nơi làm việc, khi ĐBQH, đại biểu HĐND có đề nghị tiếp xúc cử tri tại nơi làm việc, thì Thủ trưởng, Chủ tịch Công đoàn cơ quan, tổ chức nơi ĐBQH, đại biểu HĐND làm việc có trách nhiệm tổ chức để ĐBQH, đại biểu HĐND tiếp xúc cử tri. Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, nơi ĐBQH, đại biểu HĐND làm việc chủ trì phối hợp với Chủ tịch Công đoàn tổ chức, thông báo, tạo điều kiện để cử tri trong cơ quan, tổ chức đến dự tiếp xúc với ĐBQH, đại biểu HĐND.
Về tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, căn cứ chương trình, nội dung kỳ họp Quốc hội, các dự án luật, nghị quyết, các báo cáo và các dự án khác mà Quốc hội sẽ xem xét, thông qua tại kỳ họp, Đoàn ĐBQH tổ chức để ĐBQH tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực mà ĐBQH quan tâm. Căn cứ chương trình, nội dung kỳ họp HĐND, tình hình thực tiễn, Thường trực HĐND, Tổ đại biểu HĐND tổ chức để đại biểu HĐND tiếp xúc cử tri theo chuyên đề mà đại biểu HĐND, cử tri quan tâm.
Cử tri tham gia tiếp xúc là chuyên gia, nhà nghiên cứu, người có kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, những người có liên quan về chuyên đề, lĩnh vực mà đại biểu cần trao đổi, lấy ý kiến, kiến nghị.
Theo yêu cầu của ĐBQH, đại biểu HĐND, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh, Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện, bộ phận giúp việc HĐND cấp xã có trách nhiệm chuẩn bị nội dung, tài liệu và những vấn đề cần lấy ý kiến, kiến nghị của cử tri; liên hệ với Thủ trưởng cơ quan, tổ chức có liên quan đến yêu cầu của ĐBQH, đại biểu HĐND để tổ chức tiếp xúc cử tri.