Nước thải sinh hoạt nông thôn chưa được thu gom, xử lý tập trung
Theo báo cáo, sau khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn UBND các huyện, thành phố, các cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn thực hiện các quy định của pháp luật về BVMT. Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, chất thải rắn thông thường là phụ phẩm, phế phẩm từ hoạt động sản xuất nông nghiệp phần lớn được người dân tự thu gom, tận dụng để làm thức ăn cho gia súc, làm chất đốt, làm phân bón... Vỏ bao bì phân bón sau sử dụng được người dân làm sạch, tái sử dụng để đựng nông sản. Vỏ bao gói, chai lọ đựng hóa chất bảo vệ thực vật sau sử dụng, người dân thu gom, tập kết vào các bể chứa; định kỳ, chính quyền địa phương sẽ hợp đồng đơn vị đủ năng lực thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định. Cơ bản các trang trại, hộ chăn nuôi đều xây dựng, lắp đặt và sử dụng các công trình xử lý cho từng loại chất thải tùy theo mức độ, quy mô.

Toàn cảnh buổi làm việc của đoàn giám sát tại Sở Nông nghiệp và Môi trường
Giai đoạn 2022 - 2024, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh phát sinh trung bình hơn 128.617 tấn/năm. Hiện, phần lớn chất thải rắn sinh hoạt thông thường đã có phân loại tại nguồn, nhất là chất thải hữu cơ, một phần tận dụng làm thức ăn gia súc, gia cầm, ủ vi sinh làm phân bón; phần còn lại, người dân tự đốt hoặc chôn lấp trong khu vực hộ gia đình. Bên cạnh đó, nước thải sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh chưa được thu gom, xử lý tập trung, các hộ gia đình tự xử lý bằng các bể tự hoại, sau đó chảy ra nguồn tiếp nhận hoặc thải trực tiếp ra môi trường...
Trên địa bàn tỉnh cũng còn tình trạng đốt rơm rạ gây khói mù, ô nhiễm môi trường không khí vào một số thời điểm. Tại các địa phương chưa đầu tư, lắp đặt bể chứa có xảy ra tình trạng người dân vứt bừa bãi bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Việc xử lý chất thải trong chăn nuôi quy mô hộ gia đình chưa triệt để. Công tác thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn vẫn còn nhiều bất cập. Việc đầu tư xây dựng các bãi rác đồng bộ với quy trình phân loại và xây dựng lò đốt để xử lý rác thải đô thị chưa được quan tâm đúng mức. Đề án phân loại, xử lý tái chế chất thải tập trung và phân tán trên địa bàn tỉnh chưa được triển khai đồng bộ, hiệu quả.

Một cơ sở xử lý rác thải rắn trên địa bàn tỉnh Cao Bằng
Nâng cao hiệu quả xử lý, tái chế, tái sử dụng chất thải
Từ thực tế trên, Sở Nông nghiệp và Môi trường Cao Bằng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường xây dựng và ban hành các quy định, hướng dẫn kỹ thuật cụ thể để triển khai hiệu quả quản lý chất thải rắn sinh hoạt; thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp tái chế sử dụng mục đích khác; ban hành hướng dẫn mô hình, công nghệ xử lý chất thải nông nghiệp để nâng cao hiệu quả xử lý, tăng cường tối đa tái sử dụng, tái chế chất thải.
Sở cũng kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục bố trí kinh phí cho các địa phương để thực hiện việc xử lý môi trường trong sản xuất nông nghiệp. Chỉ đạo các cấp, ngành nghiêm túc triển khai hiệu quả Đề án phân loại, xử lý, tái chế chất thải tập trung và phân tán trên địa bàn tỉnh; bố trí nguồn vốn tiếp tục đầu tư xây dựng các bãi rác và công nghệ xử lý rác bảo đảm phù hợp với nhu cầu thực tế và xu hướng hiện đại hóa…
Kết luận cuộc làm việc, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bế Minh Đức đề nghị, Sở Nông nghiệp và Môi trường sớm tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng lại các quy định thực hiện công tác vệ sinh môi trường; có phương án bố trí, sửa chữa các lò đốt rác thải y tế tại các địa phương. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân; tăng cường thanh tra, kiểm tra hành vi, vi phạm BVMT... Cùng với đó, đề xuất sớm xây dựng nhà máy xử lý rác thải tập trung, quy mô trên địa bàn; nghiên cứu thực hiện thí điểm phương pháp phân loại rác...