Nỗ lực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Qua giám sát cho thấy, các cấp, các ngành của tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thi hành các chủ trương, chính sách pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội thông qua nhiều hình thức. Cùng với đó, chú trọng thực hiện chính sách thu hút, đãi ngộ nhân lực chất lượng cao. Nhiều chính sách được thực hiện như: Chính sách đặc thù xây dựng đội ngũ trí thức và thu hút, trọng dụng người có tài năng tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 - 2025; Đề án Đột phá công tác cán bộ tại các cơ quan, đơn vị khối Nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022 - 2025... Từ đó, số lượng cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý nhà nước tăng lên, đóng góp tích cực vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Giai đoạn 2021 - 2024, tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều chính sách đầu tư ngân sách cho phát triển nguồn nhân lực như: Ban hành chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh, sinh viên tham gia học nghề tại các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tạo sức hút tuyển sinh, bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Hàng năm, tỉnh đã dành trên 20% tổng chi ngân sách cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề.

Nhờ tăng cường công tác đào tạo nghề, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh những năm gần đây không ngừng được nâng lên. Học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục, giáo dục nghề nghiệp ra trường cơ bản đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm tỷ trọng lao động khu vực nông nghiệp và tăng dần tỷ trọng lao động ngành công nghiệp và dịch vụ. Năm 2024, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 81%, trong đó, tỷ lệ lao động có bằng, chứng chỉ đạt 38,5%. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 10.000 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm ổn định cho khoảng 582.600 lao động.
Hoàn thiện chính sách phát triển nguồn nhân lực
Mặc dù có chuyển biến tích cực, song chất lượng lao động vẫn chưa đáp ứng được phần lớn nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp, thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nhân lực đáp ứng được các yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và yêu cầu hội nhập quốc tế. Hơn nữa, chất lượng đào tạo của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động, nhất là đối với các lĩnh vực, ngành nghề đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật cao…

Trường Cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc chú trọng gắn đào tạo với giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Ảnh: Phfng Hải
Tại buổi giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao giai đoạn 2021 - 2024, Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị, tỉnh cần tập trung hoàn thiện chính sách về phát triển nguồn nhân lực, nhân lực chất lượng cao bảo đảm cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ. Trong đó, có các quy định về công tác đào tạo nguồn nhân lực, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông vào học các cấp trình độ của giáo dục nghề nghiệp, tăng quy mô, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, thị trường lao động. Đồng thời, xây dựng các mô hình gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất - kinh doanh và thị trường lao động theo từng vùng, địa phương, phù hợp với từng nhóm đối tượng…
Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cũng sẽ kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi khoản 2 Điều 33 của Luật Giáo dục nghề nghiệp theo hướng: quy định thời gian đào tạo trình độ trung cấp theo niên chế đối với người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông là từ 1 đến 2 năm học tùy theo chuyên ngành hoặc nghề đào tạo; thời gian đào tạo trình độ trung cấp theo niên chế đối với người có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở là từ 2 đến 3 năm học tùy theo chuyên ngành hoặc nghề đào tạo; thời gian đào tạo trình độ trung cấp theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ là thời gian tích lũy đủ số lượng mô-đun hoặc tín chỉ quy định cho từng chương trình đào tạo. Cùng với đó, người có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, nếu có nguyện vọng tiếp tục học lên trình độ cao đẳng thì phải học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng văn hóa trung học phổ thông theo Thông tư số 12/2022/TT-BGDĐT hoặc thông tư 15/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.