Tham dự có: các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật: Nguyễn Thị Mai Phương, Nguyễn Phương Thủy, Ngô Trung Thành; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi; các Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật; đại diện Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, tổ chức liên quan.
Báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương cho biết, dự thảo Luật sau Kỳ họp thứ Bảy đã được tiếp thu, chỉnh lý và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8.2024; trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận, cho ý kiến.
Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật có 79 điều (sửa đổi, bổ sung 72 điều, giữ nguyên 6 điều, bổ sung 1 Điều 36a), do đó, số lượng điều tăng lên 1 điều so với dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội.
Về cơ bản, trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo đã thống nhất tiếp thu, chỉnh lý đối với 5 nhóm vấn đề lớn, bao gồm: công chứng bản dịch (sửa đổi khoản 1 Điều 2 của Luật Công chứng hiện hành); nghĩa vụ của công chứng viên gia nhập Hội công chứng viên (Điều 16); công chứng điện tử (mục 3 Chương V); cơ sở dữ liệu công chứng (Điều 63); trách nhiệm quản lý nhà nước đối với tổ chức hành nghề công chứng.
Góp ý về mô hình tổ chức của Văn phòng công chứng, một số ý kiến đồng tình với phương án quy định mô hình của Văn phòng công chứng theo loại hình doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp doanh được áp dụng đối với Văn phòng công chứng được thành lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, các địa bàn khác chỉ áp dụng loại hình công ty hợp danh để tạo điều kiện cho người dân. Tuy nhiên, một số đại biểu lựa chọn phương án Văn phòng công chứng được tổ chức theo loại hình công ty hợp danh để bảo đảm tính ổn định của loại hình tổ chức này.
Về công chứng điện tử, các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật mới chỉ quy định những vấn đề rất cơ bản về công chứng điện tử như: khái niệm, điều kiện, giá trị pháp lý của văn bản công chứng điện tử và vấn đề cơ bản trong quy trình, thủ tục công chứng điện tử. Dự thảo Luật cũng giao Chính phủ quy định chi tiết các vấn đề liên quan. Tuy nhiên, đây là nội dung mới, do đó, có ý kiến đề nghị cần cân nhắc hết sức thận trọng để xây dựng được khung pháp lý đầy đủ cho công chứng điện tử, đòi hỏi hệ thống cơ sở dữ liệu đủ lớn làm căn cứ để công chứng viên có thể xác thực trong quá trình công chứng điện tử.
Kết luận hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng ghi nhận những ý kiến phân tích, góp ý sâu sắc, thực tiễn của các đại biểu.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, tinh thần của dự thảo Luật là phải đáp ứng yêu cầu kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, cụ thể là tiếp tục hoàn thiện cơ chế, huy động nguồn lực để xã hội hóa, phát triển lĩnh vực công chứng, xây dựng đội ngũ hành nghề công chứng đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, hoạt động chuyên nghiệp, tuân thủ pháp luật, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng các nhu cầu của xã hội.
Đồng thời, phải kế thừa những quy định của Luật Công chứng hiện hành vẫn đang còn phù hợp, phát huy tốt; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, những gì địa phương làm tốt thì vẫn để địa phương làm; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để giảm chi phí tuân thủ.
Qua đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị, nhóm nghiên cứu tổng hợp các ý kiến, tiếp tục hoàn thiện những nội dung, lập luận về ưu điểm và hạn chế một cách đầy đủ, khách quan đối với từng phương án của từng vấn đề lớn; xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, cơ quan, tổ chức hữu quan để có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.