Theo đánh giá của Đoàn việc đảm bảo ATVSTP các sản phẩm nông nghiệp ở những địa phương này còn bị buông lỏng, chủ yếu tập trung ở khâu tiêu thụ sản phẩm và hầu như khoán trắng cho ngành Y tế. Thời gian qua, đã có đoàn kiểm tra liên ngành các cấp được thành lập với sự tham gia của nhiều ngành nhưng sự phối hợp hoạt động thiếu đồng bộ, chủ yếu nhắc nhở hoặc cảnh cáo, chưa xử lý nghiêm cơ sở vi phạm. Điều này cho thấy năng lực thực thi pháp luật về quản lý chất lượng ATVSTP ở các huyện, thành phố còn hạn chế. Hiện nay, thành phố Quảng Ngãi hiện mới chỉ có 14,9% cơ sở được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn ATVSTP, huyện Bình Sơn đạt 23% và Tư Nghĩa 16%. Đặc biệt, các địa phương chưa chú trọng việc quản lý các cơ sở dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, hầu hết phân cấp cho xã, phường quản lý.
Nguyên nhân thực trạng trên là do đội ngũ cán bộ làm công tác ATVSTP ở các cấp còn thiếu và yếu về trình độ chuyên môn, đều hoạt động kiêm nhiệm. Hệ thống xét nghiệm ATVSTP thiếu cả trang thiết bị và con người. Hoạt động tuyên truyền chưa làm chuyển biến ý thức trách nhiệm của chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong việc coi trọng sức khoẻ người tiêu dùng.
Trong buổi làm việc với tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị tăng cường đầu tư trang thiết bị cho công tác ATVSTP; quy hoạch vùng sản xuất thực phẩm an toàn, xây dựng hệ thống lò giết mổ gia súc, gia cầm đúng tiêu chuẩn trên địa bàn tỉnh; chú trọng đào tạo, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về ATVSTP cho các tuyến y tế cơ sở. Đặc biệt, cần sớm thành lập Chi cục ATVSTP nhằm tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra chất lượng ATVSTP; khẩn trương thanh tra, kiểm tra các bếp ăn tập thể quy mô lớn ở các khu công nghiệp, Khu kinh tế trong tỉnh và có biện pháp xử lý, chấn chỉnh kịp thời những đơn vị sai phạm ATVSTP.
Ngọc Bích