Diễn đàn là cơ hội trao đổi và thảo luận về các cơ hội và thách thức tác động đối với tình hình lao động – việc làm – an sinh xã hội khi Việt Nam đang nỗ lực phấn đấu để trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình cao (đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4, toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu và các thay đổi về nhân khẩu học đang tác động lớn tới sự hình thành chính sách kinh tế - xã hội quốc gia nói chung và chính sách lao động – việc làm nói riêng).
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh nhấn mạnh, chúng ta sẽ cùng nhau trao đổi về những chính sách và thực tiễn của Việt Nam trong lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội và phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh mới, cùng nhau nhận diện những thời cơ cũng như thách thức đặt ra cho tương lai việc làm của Việt Nam và đề xuất những giải pháp để phát huy tiềm năng, tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, hướng tới việc làm thỏa đáng và bền vững cho tất cả mọi người.
Với lực lượng lao động 56 triệu người, Việt Nam trước mắt đang hưởng những thế mạnh của dân số trẻ. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề có bằng cấp chứng chỉ của Việt Nam mới chỉ chiếm 23%, cơ cấu đào tạo nghề lại chưa hợp lý, chưa tương thích với cơ cấu của nền kinh tế, dẫn đến tình trạng thừa – thiếu lao động cục bộ trên thị trường lao động. Cùng với thế mạnh là dân số trẻ, thì quan hệ lao động tại Việt Nam tuy đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn ẩn chứa nhiều yếu tố bất ổn như tý lệ doanh nghiệp có thương lượng tập thể và ký thỏa ước lao động tập thể một cách thực chất còn ít, chất lượng các đối thoại tại nơi làm việc chưa cao. Giám đốc ILO TS Việt Nam Chang-Hee Lee cho rằng, Việt Nam đã thành công, với tốc độ tăng trưởng cao bền vững trong những năm qua dù bối cảnh quốc tế có nhiều biến động. Đây là kết quả của sự lựa chọn chiến lược của Việt Nam quyết định phát triển kinh tế thông qua hội nhập toàn cầu sâu rộng hơn, kết hợp với những cải cách trong nước. Để hiện thực hóa quyết tâm trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, Việt Nam cần những cải thiện về mặt xã hội song hành với phát triển kinh tế.