Quảng Bình có đường bờ biển dài với đội tàu cá lớn. Không chỉ góp sức vào sự phát triển chung của địa phương, hoạt động vươn khơi bám biển của ngư dân dân còn giữ vai trò quan trọng trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương. Trong bối cảnh chuyển biến nền kinh tế có nhiều khó khăn, tại Kỳ họp thứ 12 (kỳ họp thường lệ cuối năm) vừa qua, HĐND tỉnh Khóa tỉnh Quảng Bình XVIII đã thông qua chính sách hỗ trợ cước phí thuê bao dịch vụ giám sát hành trình tàu cá. Quyết nghị của cơ quan dân cử địa phương ngay lập tức nhận được sự ủng hộ, đánh giá rất cao từ ngư dân nói riêng, nhân dân trên địa bàn nói chung.
Từ việc ngư dân gặp khó trong duy trì cước dịch vụ giám sát hành trình...
Theo quy định tại Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8.3.2019 của Chính phủ, tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên phải lắp thiết bị giám sát hành trình (VMS). Từ khi có quy định, tỉnh Quảng Bình đã khẩn trương triển khai lắp đặt thiết bị VMS tàu cá. Toàn tỉnh đã hoàn thành lắp thiết bị giám sát cho 1.127 tàu cá trên tổng số 1.165 tàu (đạt 96,7%). Hiện, còn 38 tàu cá chưa lắp đặt thiết bị do tàu hoạt động không hiệu quả, khó khăn kinh tế, thiếu thuyền viên đi biển...
Từ quá trình vận hành, cơ quan chức năng ghi nhận thiết bị VMS góp phần rất lớn trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; quản lý đội tàu cá của các cơ quan quản lý thủy sản các cấp từ Trung ương đến địa phương; nhất là trong công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, nhằm tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu (EC).
Về phía người dân, việc lắp đặt VMS trên tàu cũng mang đến nhiều thuận lợi và an tâm trong trường hợp tàu có sự cố hoặc các thuyền viên trên tàu gặp vấn đề về sức khỏe….
Anh Nguyễn Thế Giảng (SN 1988, chủ tàu - thuyền trưởng tàu QB-91126 TS) cho biết, trước đây ngư dân chỉ có thể liên hệ với đất liền thông qua hệ thống Thông tin Duyên hải. Nay, nhờ thiết bị VMS đã có thể gọi trực tiếp vào đất liền và xử lý các sự cố nhanh chóng hơn.
“Cách đây 3 tháng, tàu của tôi gặp trục trặc trên biển. Nhờ VMS kết nối trực tiếp, gọi thẳng đến nơi hỗ trợ sửa chữa tàu nên đã xử lý và khắc phục nhanh chóng. Bên cạnh đó, thiết bị VMS còn thường xuyên thông báo cho ngư dân về tình hình thời tiết, giúp chúng tôi chủ động ứng phó khi đánh bắt ngoài vùng biển xa”, anh Giảng chia sẻ.
Thuận tiện là vậy nhưng từ những biến chuyển khó lường của nền kinh tế nói chung và sự bấp bênh trong hoạt động khai thác thủy hải sản nói riêng, việc lắp đặt và duy trì VMS đang gặp những khó khăn nhất định. Theo ghi nhận từ Chi cục Thủy sản, lực lượng Biên phòng, UBND cấp huyện và một số cơ quan chức năng của tỉnh, đang diễn ra tình trạng một số chủ tàu cá không đóng cước thuê bao giám sát hành trình để duy trì hoạt động của thiết bị VMS dẫn đến không theo dõi được hoạt động tàu cá trên biển. Nhất là các chủ tàu gặp khó khăn về kinh phí, hoạt động không hiệu quả hoặc là vào mùa gió đông bắc, biển động không đi biển được.
Đến nay, đã có hơn 100 tàu cá mất kết nối dài ngày do không đóng cước thuê bao giám sát hành trình cho các đơn vị cung cấp thiết bị hoặc do nằm bờ. Dự kiến, những tháng cuối năm 2023, là mùa biển động, số lượng chủ tàu cá không đóng cước phí để duy trì thiết bị giám sát hành trình sẽ tiếp tục tăng lên.
... đến niềm vui trên những chuyến vươn khơi
Bám biển vươn khơi trong sự an tâm không chỉ là nguyện vọng của riêng ngư dân, mà còn là mong muốn của các cấp, các ngành, để đồng hành cùng bà con trong hành trình phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền. Theo khảo sát từ các đơn vị cung cấp thiết bị VMS cho tàu cá của tỉnh, ngoài chi phí mua sắm thiết bị VMS với giá từ 22.500.000 đồng đến 28.000.000 đồng/thiết bị, thì chủ tàu phải chi trả cước thuê bao VMS tàu cá dao động từ 3.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng/năm đã tạo thêm áp lực về kinh phí vươn khơi, bám biển của ngư dân trên địa bàn.
Từ sự cấp thiết đó, cũng như trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều khó khăn, HĐND tỉnh Quảng Bình đã nghiên cứu xây dựng nghị quyết hỗ trợ cước thuê bao dịch vụ giám sát hành trình tàu cá góp phần chia sẻ với ngư dân; tạo điều kiện phát triển kinh tế cũng như tăng cường hiệu quả quản lý tàu cá hoạt động trên biển, góp phần tháo gỡ thẻ vàng của EC.
Tại Kỳ họp thứ 12 vừa qua, HĐND tỉnh Khóa XVIII đã thống nhất rất cao việc thông qua chính sách hỗ trợ cước phí thuê bao dịch vụ giám sát hành trình tàu cá trong giai đoạn 2024 - 2026. Theo nghị quyết được ban hành, trong năm 2024, mỗi tàu cá được hỗ trợ 100% cước thuê bao dịch vụ giám sát hành trình, tối đa không quá 300.000 đồng/tháng với mỗi tàu. Năm 2025, mỗi tàu cá được hỗ trợ 70% cước thuê bao dịch vụ giám sát hành trình, tối đa không quá 210.000 đồng/tháng với mỗi tàu. Năm 2026, tiếp tục hỗ trợ 50% cước thuê bao dịch vụ, tối đa không quá 150.000 đồng/tháng. Nguồn kinh phí thực hiện thuộc ngân sách tỉnh.
Nhận được thông tin, nhiều chủ tàu cá và ngư dân phấn khởi vui mừng bởi hành trình bám biển vươn khơi luôn có Nhà nước và các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ. Anh Phạm Tuyển (SN 1982, chủ tàu QB - 91999 TS không khỏi phấn chấn với chính sách hỗ trợ mới được thông tin thông qua báo, đài. Theo anh, với thời gian 3 năm hỗ trợ, ngư dân sẽ dần quen với việc có mặt thường trực của VMS, sự đồng hành của cơ quan chức năng, và các chuyến biển cũng sẽ thuận lợi, an tâm hơn.
Đối với các ngư dân làm việc trên tàu QB-91126 TS, tất thảy đều đồng tình với quyết sách mang hơi thở của cuộc sống và hướng đến ngư dân - đối tượng đông đảo tại một địa phương miền biển như Quảng Bình. “Tôi vừa nhận được thông tin 2 ngày trước thôi nhưng thật sự rất mừng. Đây không chỉ là niềm vui riêng mà cũng là cảm xúc chung của anh em ngư dân đi biển. Chúng tôi gửi lời cảm ơn đến các cấp, các ngành đã quan tâm, động viên, để các đội tàu yên tâm ra khơi”, anh Nguyễn Thế Giảng, chủ tàu - thuyền trưởng chia sẻ.