Xây dựng thể chế là nhiệm vụ trung tâm
Phát biểu tại phiên họp, ĐBQH Vũ Tiến Lộc quan tâm đến thành tựu của công tác xây dựng pháp luật trong nhiệm kỳ. Theo đại biểu, một trong những thành công đó là đã xác định rõ định hướng chương trình xây dựng pháp luật của cả nhiệm kỳ và Nghị quyết 43 trao quyền cho Chính phủ trong điều kiện rất đặc biệt để có thể đưa ra những biện pháp đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn và đó là một điểm rất đặc biệt trong nhiệm kỳ này.
Đại biểu cho rằng, một điểm sáng rất quan trọng trong nhiệm kỳ này là sự phối hợp có hiệu quả hơn, sâu sát hơn giữa Quốc hội và Chính phủ trong chương trình xây dựng pháp luật. Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có những yêu cầu cao hơn đối với chương trình xây dựng pháp luật của Chính phủ trình ra, sự phối hợp giữa Quốc hội và Chính phủ phải đề cao hơn nữa vai trò của Quốc hội trong lĩnh vực này.
Theo phân tích của đại biểu, vấn đề xây dựng thể chế được coi là nhiệm vụ trung tâm của Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ. Do vậy, vấn đề xây dựng thể chế là thủ trưởng các cơ quan Chính phủ phải là người trực tiếp phụ trách. Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các bộ, ngành đều phải là người trực tiếp phụ trách lĩnh vực này cũng như vấn đề tổ chức cán bộ trong bộ.
"Vấn đề cán bộ và vấn đề thể chế thì những người đứng đầu các cơ quan hành chính các cấp không được giao cho ai mà phải trực tiếp phụ trách lĩnh vực này và coi đây là nhiệm vụ trung tâm", ĐBQH Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng trong điều kiện cụ thể của nước ta, việc giao cho các cơ quan Chính phủ soạn thảo các dự án, đề án pháp luật là hợp lý bởi gắn với thực tiễn của cuộc sống và phù hợp với hệ thống chính trị. Tuy nhiên, để bảo đảm các cơ quan quản lý trực tiếp không lồng ghép lợi ích và xây dựng được hệ thống pháp luật với một góc nhìn trung lập hơn thì các bộ, ngành nên tổ chức lại, không nên giao nhiệm vụ cho các Vụ quản lý chuyên ngành. Bởi trên thực tế, nếu các Vụ này cùng một lúc được cấp giấy phép hay quản lý chuyên ngành, trực tiếp xây dựng các văn bản pháp luật quy định về lĩnh vực đó thì rất dễ có trường hợp các bộ phận chuyên môn, chức năng các bộ đó sẽ tìm cách tạo thuận lợi cho mình, đẩy khó khăn về cho các cơ quan khác hoặc cho người dân và doanh nghiệp.
Loại bỏ chồng chéo trong xây dựng luật
ĐBQH Vũ Tiến Lộc cũng đề nghị, tăng cường bộ phận pháp chế và các bộ phận nghiên cứu tổng hợp hay các viện nghiên cứu của các bộ, ngành và giao cho các vụ pháp chế và viện nghiên cứu của các bộ, ngành là người chấp bút soạn thảo, còn các vụ chuyên ngành tham gia vào nhưng các vụ chuyên ngành không phải trực tiếp là người chấp bút soạn thảo văn bản. Như vậy, sẽ bảo đảm tính trung lập của các bộ phận soạn thảo trực tiếp đối với các văn bản pháp luật. Kết quả xây dựng luật sẽ tốt hơn. Trong đó, cần tăng cường vai trò của Bộ Tư pháp và các bộ tổng hợp để có thể có những quan điểm, bảo đảm các văn bản pháp luật này có tính trung lập hơn trong quá trình ban hành.
Ngoài ra, đại biểu cho rằng, một trong những nhiệm vụ rất quan trọng trong quá trình xây dựng pháp luật của chúng ta hiện nay và trong những năm tới là phải loại bỏ được những chồng chéo, xung đột trong các quy định pháp luật. Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu kỹ lưỡng vấn đề này.
Đề cập đến vấn đề chuyển đổi số, ĐBQH Vũ Tiến Lộc đánh giá, đây là một chủ trương rất lớn của Đảng. Chúng ta có Chương trình quốc gia về chuyển đổi số, làm sao cho tinh thần chuyển đổi số và những nội dung chuyển đổi số có thể đưa được vào tất cả các văn bản pháp luật. Đấy là xu hướng, một chương trình quốc gia, một định hướng để có thể thay đổi toàn bộ phương thức sản xuất và tổ chức xã hội. Nếu trong hệ thống pháp luật không đề cập đến vấn đề này và không có khuôn khổ pháp luật thì sẽ ảnh hường đến việc thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số theo các nghị quyết của Đảng.