Đại diện Tổng cục Hải quan cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2022, hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới thường tập trung vào một số hành vi như: Không khai báo, khai hải quan không đúng với thực tế hàng hóa; che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng; chuyển giá, xuất khống để hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT). Cùng với đó, các đối tượng lợi dụng các loại hình tạm nhập tái xuất, vận chuyển độc lập, vận chuyển kết hợp để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Kết quả từ ngày 16.12.2021 đến 15.6.2022, ngành Hải quan đã trực tiếp và phối hợp phát hiện, bắt giữ và xử lý: 7.183 vụ việc vi phạm pháp luật hải quan, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 3.771 tỷ 924 triệu đồng, Cơ quan Hải quan khởi tố 24 vụ án hình sự, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 55 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước là 204 tỷ 729 triệu đồng.
Theo Tổng cục Hải quan, hiện vẫn còn nhiều thách thức đối với công tác kiểm soát, đấu tranh phòng, chống buôn bán, vận chuyển trái phép ma túy qua biên giới, đặc biệt nổi lên vẫn là tuyến đường hàng không. Các đối tượng tội phạm ma túy xuyên quốc gia lợi dụng chủ trương ưu đãi, thu hút đầu tư để thành lập doanh nghiệp ở Việt Nam, sau đó vận chuyển phương tiện, thiết bị, nguyên liệu, thuê kho bãi... phục vụ hoạt động sản xuất và vận chuyển trái phép ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam.
Kết quả 6 tháng đầu năm 2022, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ 151 vụ/147 đối tượng. Tang vật thu được 100,84 kg Heroin; 72,83 kg cần sa; 41,618 kg thuốc phiện; 374,039 kg ma túy tổng hợp (MTTH) và 46.483 viên MTTH; 280 viên chất hướng thần; 10,975 kg tiền chất; 500 tem giấy có tẩm chất ma túy LST.
Theo Tổng cục Hải quan, một số vụ việc điển hình, nhức nhối trong 6 tháng đầu năm như: Vận chuyển tiền trái phép qua biên giới với hơn 360 triệu đồng được lực lượng hải quan An Giang bắt giữ; vụ vận chuyển trái phép thuốc tân dược từ Nga về Việt Nam là thuốc điều trị Covid-19 và thuốc ngừa Covid-19 được phát hiện tại sân bay Quốc tế Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.
Vào ngày 17.2, Chi cục Hải quan Cửa khẩu sân bay quốc tế (CKSBQT) Nội Bài - Cục Hải quan Hà Nội đã soi chiếu hành lý hành khách nhập cảnh trên chuyến bay từ Angola - Việt Nam phát hiện 6 khúc được cuốn trong giấy bạc nghi là sừng tê giác. Sau đó 1 ngày, vào ngày 18.2, Đội Kiểm soát chống buôn lậu ma túy khu vực miền Bắc (Đội 5) - Cục Điều tra chống buôn lậu đã phối hợp với Công an thành phố Hà Nội; Cục Hải quan thành phố Hà Nội bắt 1 đối tượng có hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy qua đường hàng không cửa khẩu Sân bay Quốc tế Nội Bài. Tang vật thu giữ 1 hình ảnh bằng giấy khối lượng 8,4 g, bao gồm 500 tem nhỏ có tẩm ma túy tổng hợp 1cP-LSD.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, vào ngày 21.2, trong quá trình kiểm tra lô hàng quà biếu gửi qua đường chuyển phát nhanh, lực lượng chức năng phát hiện 1 lô hàng từ Hà Lan về Việt Nam có chứa 3.000 viên ma túy MDMA. Trong quá trình tuần tra ngày 22.2, Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma - Cục Hải quan Lạng Sơn tuần tra, kiểm soát, phát hiện gần mốc biên giới có một lô hàng vô chủ, qua kiểm tra, hàng hóa gồm hàng nghìn bộ kit test nhanh Covid-19 có xuất xứ Trung Quốc.
Tình hình buôn lậu xăng dầu trên biển vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Vào ngày 28.2, Hải đội kiểm soát trên biển khu vực miền Nam (Hải đội 3) - Cục Điều tra chống buôn lậu đã phối hợp với Phòng 3 - Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu tuần tra, kiểm soát, phát hiện 1 tàu có dấu hiệu vận chuyển 431.000 lít dầu FO không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa, tự ý phá niêm phong hàng hóa chịu sự giám sát hải quan.