Đối mặt với đủ loại thủ đoạn tinh vi
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão, đặc biệt là sự bùng nổ của mạng internet, không gian mạng đã trở thành một “xã hội ảo” song hành cùng xã hội thực, tạo ra nhiều thời cơ, thuận lợi thúc đẩy, phát triển kinh tế của đất nước. Đồng thời, cũng tạo ra nhiều khó khăn, thách thức cho công tác đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
Các thế lực thù địch, đối tượng phản động và các loại tội phạm triệt để lợi dụng không gian mạng triển khai thực hiện các âm mưu, hoạt động chống phá, vi phạm pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng, thậm chí là đặc biệt nghiêm trọng.
Theo lãnh đạo Phòng An ninh mạng (Công an TP. Đà Nẵng), phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này vô cùng tinh vi, phức tạp, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác phát hiện, xử lý. Thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao của lực lượng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an thành phố Đà Nẵng, nòng cốt là Phòng an ninh mạng luôn được đầu tư quan tâm mọi mặt, thu hút nhiều lực lượng tham gia, đặt dưới sự chỉ đạo tập trung, thống nhất của lãnh đạo Công an thành phố, sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng và việc sử dụng đồng bộ các biện pháp, phương tiện, chiến thuật nghiệp vụ nhằm đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này trên địa bàn thành phố.
Một lãnh đạo Phòng An ninh mạng cho biết, thời gian vừa qua, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp và gây tâm lý bất an cho người dân. Đây là loại tội phạm “đặc biệt”, cố ý sử dụng tri thức, kiến thức, kỹ năng, công cụ và phương tiện công nghệ thông tin tác động trái pháp luật đến thông tin, dữ liệu, tín hiệu được lưu trữ, xử lý, truyền tải trong hệ thống mạng máy tính nhằm thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức và Nhà nước.
Có thể nhận thấy một số phương thức, thủ đoạn nổi lên gần đây của loại tội phạm này như: giả danh cơ quan chức năng để gọi điện lừa đảo người dân; lừa đảo qua mạng xã hội (facebook, tiktok, zalo…); tấn công mạng để chiếm đoạt thông tin, tài khoản; lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hoạt động thương mại điện; lừa đảo thông qua hình thức kinh doanh đa cấp hoặc qua các sàn giao dịch ảo (sàn vàng, ngoại tệ, bất động sản)…
“Có thể khẳng định, hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản hiện nay có rất nhiều thủ đoạn vô cùng tinh vi và phức tạp. Gây rất nhiều khó khăn đối với các cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống tội phạm công nghệ cao. Vì vậy, cơ quan công an và các đơn vị liên quan vẫn thường xuyên “tuần tra trên mạng” để chủ động nắm thông tin, tìm hiểu phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm để từ đó lên phương án đấu tranh”, vị lãnh đạo này cho hay.
Phát đi những thông điệp cảnh báo
Phía sau mỗi chuyên án thành công, mỗi đường dây tội phạm bị “bốc gỡ”, lực lượng an ninh mạng luôn phát đi những thông điệp cảnh báo cho người dân, doanh nghiệp tăng cường cảnh giác, đề phòng với các thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt của tội phạm lừa đảo qua mạng. Bởi mỗi đường dây, mỗi băng nhóm tội phạm lại sử dụng một phương thức khác nhau để lừa người dân “sập bẫy”.
“Ngoài tổ chức lực lượng phá án thì việc tuyên truyền, cảnh báo người dân, doanh nghiệp nâng cao ý thức cảnh giác, đề phòng với tội phạm mạng cũng rất quan trọng. Có nhiều trường hợp, lực lượng an ninh mạng khi phát hiện dấu hiệu xuất hiện hình thức lừa đảo mới đã lập tức phát đi cảnh báo gửi đến các cá nhân/tổ chức. Nhờ đó, nhiều vụ việc đã được ngăn ngừa trong trứng nước. Tuy nhiên, có thực tế là dù cơ quan công an đã cảnh báo rất nhiều nhưng nhiều người vẫn bị “dính bẫy”, đó là điều rất đáng lo ngại”, lãnh đạo Phòng An ninh mạng nhấn mạnh.
Trên Cổng thông tin điện tử Công an TP. Đà Nẵng cũng như qua các phương tiện truyền thông, báo chí, Công an thành phố đã phát đi hàng trăm cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo tinh vi của tội phạm mạng. Đó là những chiêu trò dựng website lừa đảo vé máy bay và tàu xe dịp cận Tết; mua hàng trực tuyến giá rẻ; gọi điện giả danh lực lượng công an thông báo vi phạm pháp luật, yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản… Những thông tin cảnh báo kịp thời này đã giúp nhiều cá nhân, tổ chức thoát khỏi “nanh vuốt” của các đường dây lừa đảo qua mạng.
Tháng 8.2024, trả lời chất vấn tại nghị trường Quốc hội về tình hình tội phạm trên không gian mạng đang ngày càng trở nên phức tạp, Bộ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lương Tam Quang xác định, tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao là một trong những thách thức an ninh phi truyền thống mà các nước trên thế giới đều phải đối mặt. Loại tội phạm này có 3 đặc điểm dẫn đến khó phát hiện, xử lý là: không biên giới, tính ẩn danh cao, trình độ công nghệ cao; hầu hết đời thực có cái gì thì trên mạng có cái đó, và đời thực chỉ có một thì trên mạng có thể nhân lên nhiều lần. Do vậy, giải pháp đấu tranh với loại tội phạm này cũng phải có tính đặc thù.