Theo phản ánh của bà Bùi Thị Quỳnh Hoa (trú tại số 37, đường Trần Văn Hoài, phường Xuân Khánh, TP Cần Thơ), năm 1982, cha mẹ bà Hoa nhận chuyển nhượng từ ông Trần Phước Đại diện tích 1.511m2. Tất cả có giấy mua bán và có xác nhận của chính quyền địa phương. Gia đình bà sinh sống ổn định và đóng thuế hàng năm.
Đến năm 1999, quy hoạch mở rộng đường Trần Văn Hoài, đất bị chia cắt thành 3 phần. Nhà nước thu hồi phần giữa, với diện tích 954,68m2 để làm đường. Số đất còn lại ở phía Nam đường Trần Văn Hoài, mẹ bà Hoa là bà Nguyễn Thị Lộc (chết năm 2019) phân chia cho 4 người con, thuộc thửa 64, tờ bản đồ số 04.
Năm 2002, phần đất phía Bắc con đường, bà Lộc được UBND TP Cần Thơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) số 01267, diện tích 35,1m2, thuộc thửa 62, tờ bản đồ 04 mang tên bà Nguyễn Thị Lộc. Vị trí đất tiếp giáp đường Trần Văn Hoài, nằm phía trước đất của 3 hộ gia đình ông Võ Văn Tỏ, ông Nguyễn Hữu Bỉnh và ông Diệp Văn Sừng.
Bà Hoa cho biết: 3 hộ ông Bỉnh, ông Sừng, ông Tỏ cho rằng đất của họ tiếp giáp đường Trần Văn Hoài nên khởi kiện yêu cầu TAND quận Ninh Kiều hủy bỏ GCNQSDĐ số 01267 cấp năm 2002 của bà Lộc.
Nhận được đơn khởi kiện của 3 hộ ông Tỏ, ông Sừng, ông Bỉnh, tháng 8.2006, TAND quận Ninh Kiều có văn bản yêu cầu Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) quận Ninh Kiều đo đạc lại. Kết quả đo đạc cho thấy, ở thửa 62, ngoài phần đất đã được cấp GCN đang bị tranh chấp, bà Lộc còn có một phần diện tích bị bỏ sót chưa được đưa vào sổ. Phần đất này tiếp giáp đường Trần Văn Hoài và nằm ngay trước mặt vị trí đất của 3 hộ ông Tỏ, ông Bỉnh, ông Sừng.
“Sau đó, 3 hộ rút đơn và nhờ chính quyền địa phương thương lượng xin bà Lộc cho họ mở lối đi ra đường Trần Văn Hoài.
Bà Lộc đồng ý cho mở lối đi, đồng thời cho mượn tạm thửa đất 35,1m2 tiếp giáp đường Trần Văn Hoài đã được cấp GCNQSDĐ để họ kinh doanh buôn bán.
Thời gian sau, 3 hộ gia đình trên xây dựng nhà cửa kiên cố và chiếm dụng phần đất nằm ngoài sổ, đồng thời chiếm luôn thửa đất 35,1m2 đã được cấp GCNQSDĐ của bà Lộc”, bà Hoa cho biết.
Năm 2016, bà Lộc làm đơn khởi kiện gửi TAND quận Ninh Kiều. Sau đó, vụ án được chuyển lên TAND TP Cần Thơ.
Gần 7 năm sau, TAND TP Cần Thơ vẫn không thể đưa ra xét xử vụ án do Sở TN&MT Cần Thơ không cung cấp rõ thông tin về nguồn gốc và diện tích đất của các đương sự.
Đến ngày 9.8.2023, UBND TP Cần Thơ phúc đáp bằng Công văn số 3081/UBND-KT về việc cung cấp thông tin cho TAND TP.
Sau đó, ngày 29.8.2023, UBND TP Cần Thơ tiếp tục ban hành Công văn 3440/UBND-KT về việc cung cấp bổ sung thông tin theo yêu cầu của TAND TP Cần Thơ. Đây là công văn gần nhất, được căn cứ trên cơ sở dữ liệu hồ sơ lưu trữ ở Sở TN&MT, do sở này cung cấp.
Công văn 3440/UBND-KT xác định: “Năm 1982 ông Nguyễn Phước Đại chuyển nhượng cho ông Bùi Văn Bảo, bà Nguyễn Thị Lộc hai lần, lần thứ nhất có diện tích 1.000m2 được UBND phường Xuân Khánh xác nhận ngày 28.9.1982; lần thứ 2 cũng vào năm 1982, diện tích 511m2.
Năm 1989, bà Lộc cho con là Bùi Thị Quỳnh Trâm diện tích 271m2. Diện tích còn lại 1.240m2, bà Lộc sử dụng và đóng thuế đất hàng năm”.
Ngày 29.9.2023, TAND TP Cần Thơ đưa vụ án ra xét xử và ban hành Bản án dân sự sơ thẩm số 28/2023/DS-ST trong vụ án “tranh chấp QSDĐ, hủy GCNQSDĐ và công nhận hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ”. Người đại diện pháp luật cho bà Lộc là bà Hoa - con gái bà Lộc.
Sau khi xem xét hồ sơ, chứng cứ, TAND TP Cần Thơ xác định, tổng diện tích đất của bà Lộc bị ảnh hưởng bởi dự án đường Trần Văn Hoài là 954,68m2, diện tích đất còn lại không bị ảnh hưởng bởi đường Trần Văn Hoài là 423,3m2 (tính cả diện tích mà bà Lộc đã cho các con). Tổng cộng là 1.377,98m2.
So với diện tích đất bà Lộc nhận chuyển nhượng vào năm 1982 là 1.511m2 thì còn thiếu 133m2. Đất này nằm mặt tiền tiếp giáp đường Trần Văn Hoài, tiếp giáp với 3 hộ ông Bững, ông Sừng, ông Tỏ.
Trên cơ sở đó, ngày 29.9.2023, TAND TP Cần Thơ đã xét xử và ban hành Bản án số 28/2023/DS-ST công nhận một phần khởi kiện của bà Hoa, buộc bị đơn tháo dỡ, di dời toàn bộ tài sản trên đất, trả lại phần đất đã chiếm dụng cho bà Hoa. Đồng thời, kiến nghị cơ quan chức năng TP Cần Thơ điều chỉnh và cấp GCNQSDĐ cho nguyên đơn.
Việc 3 bị đơn có đơn phản tố, yêu cầu hủy một phần GCNQSDĐ số 1267/QSDĐ của bà Lộc là không có căn cứ, nên hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn. Đồng thời, không chấp nhận yêu cầu của các bị đơn về việc mở lối đi ra đường công cộng (nếu có tranh chấp giải quyết bằng một vụ án khác).
Không đồng ý với bản án sơ thẩm, tại phiên xét xử, một số bị đơn đã kháng cáo một phần bản án sơ thẩm trên.
Mặc dù UBND TP Cần Thơ đã bổ sung chứng cứ bằng công văn gần nhất là Công văn số 3440/UBND-KT ngày 29.8.2023 về việc cung cấp, bổ sung thông tin theo yêu cầu của TAND TP Cần Thơ, thế nhưng tại đơn kháng cáo, người kháng cáo cho rằng, diện tích đất của bà Lộc là 1.240m2 theo Công văn 3081 ngày 9.8.2023 của UBND TP Cần Thơ (ít hơn 271m2 so với nhận định của tòa án).
Tại đơn kháng cáo lại không hề nhắc đến Công văn bổ sung số 3440/UBND-KT ngày 29.8.2023 của UBND TP Cần Thơ là công văn chính xác nhất, gần nhất về thửa đất của bà Lộc (công văn này xác nhận diện tích đất của bà Lộc là 1.511m2).
Liên quan đến vụ việc, trước đó UBND quận Ninh Kiều phúc đáp: “Qua hồ sơ cấp giấy đất cho ông Bỉnh và ông Sừng cho thấy hình thể thửa đất, diện tích, vị trí và kích thước thửa đất trên GCN có sự chênh lệch lớn, không đúng thực tế đang sử dụng. UBND TP Cần Thơ cấp GCN cho hộ ông Bỉnh, ông Sừng năm 1997 giáp mặt tiền đường Trần Văn Hoài là không đúng hiện trạng, vì thời điểm đó đường Trần Văn Hoài chưa hình thành. Riêng giấy đất ông Tỏ có thể hiện khoảng cách 5m mới đến đường Trần Văn Hoài”.