TS. JaeHoon Yoo, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc BHTG Hàn quốc:
Các bạn đã chuyên nghiệp hơn!
Tôi cho rằng, vai trò của bảo hiểm tiền gửi (BHTG) quan trọng không kém vai trò của các tổ chức tín dụng (TCTD) trung ương và các tổ chức tài chính. Bởi, cơ quan BHTG có vai trò quản lý quỹ BHTG, nếu ngân hàng có vấn đề sụp đổ thì quỹ này sẽ tổn thất. Vì vậy, để có thể hạn chế tối đa thiệt hại của quỹ thì các tổ chức BHTG phải chủ động, tích cực nhưng cũng phải có đủ quyền để có thể bảo vệ các ngân hàng khi họ gặp khó khăn và sụp đổ. Điều quan trọng, các tổ chức BHTG phải hợp tác chặt chẽ với các ngân hàng Trung ương và cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng để giữ sự ổn định cho nền tài chính.
Tại Hàn Quốc, khi cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 xảy ra, việc phát hiện sớm và can thiệp kịp thời chưa được thực hiện. Khi đó, Hàn Quốc phải nhờ vào quỹ công và vốn nước ngoài để tái cấu trúc và ổn định tài chính. Sau năm 1997, Hàn Quốc đã đưa các nguyên tắc kỷ luật, nhiệm vụ rõ ràng hơn cho tổ chức BHTG. Vì vậy, khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 xảy ra, chúng tôi đã tránh được khủng hoảng sâu rộng, mặc dù cũng không tránh được những khủng hoảng cấp độ địa phương.
Đối với Việt Nam, tôi nhận thấy hoạt động BHTG của các bạn đã chuyên nghiệp hơn; đã rõ nhiệm vụ và cả chế tài từ Chính phủ. Nhưng nếu so sánh với BHTG ở một số nước khác như Mỹ, Hàn Quốc… thì vẫn còn dư địa để BHTG Việt Nam mở rộng khả năng của mình, bảo đảm tính ổn định của toàn bộ thị trường tài chính. Hiện, hoạt động BHTG ở Việt Nam đã nâng lên một bước mới và đang nằm ở nhóm 46% (nhóm chi trả với quyền hạn mở rộng thông qua phương pháp xử lý) nhưng vẫn còn một chặng đường dài để tới nhóm hiện đại như Đức, Hàn Quốc, Mỹ, Mexico…
Phó chủ tịch APRC, Tổng giám đốc BHTG Philippines Roberto B.Tan:
Phát hiện sớm và can thiệp kịp thời - cần có chế tài mạnh!
Trước hết, tôi cảm ơn và đánh giá cao BHTG Việt Nam vì đã tổ chức Hội thảo quan trọng này. Đây là chương trình hỗ trợ về kỹ thuật và đào tạo đầu tiên của APRC (Ủy ban Khu vực châu Á - Thái Bình Dương - Ủy ban khu vực lớn thứ hai của Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi quốc tế IADI).
Thông qua Hội thảo, các tổ chức BHTG có cơ hội thảo luận trực tiếp về việc phát hiện sớm, can thiệp kịp thời. Theo đó, làm thế nào để phát hiện sớm; phát hiện kịp thời; làm thế nào để các cơ quan trong hệ thống tài chính hợp tác với nhau một cách nhuần nhuyễn để có những biện pháp can thiệp kịp thời nhằm tránh những sụp đổ của các tổ chức tài chính trong đó có ngân hàng đã được đặt ra với nhiều giải pháp. Trên thực tế, khi ngân hàng đổ vỡ sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy cho thị trường, người gửi tiền, doanh nghiệp đối tác… Vì thế việc phát hiện sớm và ngăn chặn các rủi ro là những điều mà các cơ quan quản lý cần tập trung với các chế tài, ứng phó cần thiết ngay khi ngân hàng gặp khó khăn.
Tại Philippines, trước đây chúng tôi cũng có rất nhiều các biện pháp và chế tài để phát hiện sớm những rủi ro tiềm ẩn của các tổ chức tín dụng cũng như tổ chức tài chính nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn. Hiện nay, chúng tôi đã xây dựng một Ủy ban ổn định và điều phối tài chính. Đứng đầu Ủy ban là Ngân hàng Trung ương Philippines, tiếp theo là Ủy ban chứng khoán và BHTG Philippines cùng rất nhiều tổ chức tài chính khác của Philippines. Quan trọng hơn, Ủy ban này có nhiệm vụ điều phối các hoạt động nghiệp vụ nhịp nhàng nhằm giám sát một cách hiệu quả giúp cho việc can thiệp được thực hiện sớm nhất. Nhưng chắc chắn, chúng tôi đã có những chế tài đủ mạnh để can thiệp sớm khi các ngân hàng gặp khó khăn; giúp họ không bị đóng cửa và tiếp tục hoạt động một cách lành mạnh.
Chủ tịch HĐQT Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam Phạm Bảo Lâm:
Mục tiêu chung là bảo vệ người gửi tiền!
Là đơn vị đăng cai tổ chức, chúng tôi vui mừng khi Hội thảo đều có chung một mục tiêu là: bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần vào sự hoạt động an toàn, lành mạnh hệ thống ngân hàng; sự chia sẻ của bạn bè quốc tế giúp chúng tôi rất nhiều nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang tiến hành sửa đổi bổ sung Luật Các TCTD và tiến tới là sửa Luật BHTG.
Trên thực tế, nâng cao vai trò của BHTG trong phát hiện sớm và can thiệp kịp thời là nguyên tắc cơ bản và quan trọng của bộ nguyên tắc do Hiệp hội BHTG quốc tế ban hành. Trong thời gian vừa qua, BHTG cũng đã thể hiện khá rõ vai trò của mình trong thực hiện nguyên tắc này. Bởi thế, các ngân hàng trung ương, các cơ quan chính phủ tại nhiều quốc gia mong muốn BHTG tham gia sâu vào quá trình tái cơ cấu, xử lý các TCTD yếu kém, đặc biệt là trong việc phát hiện sớm và can thiệp kịp thời. Đối với BHTG Việt Nam, đây là nội dung quan trọng trong Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng năm 2030 của Chính phủ. Trong đó, Chính phủ giao BHTG thực hiện kiểm tra giám sát trên cơ sở rủi ro, hướng tới đáp ứng yêu cầu thông lệ quốc tế. Việc phát hiện sớm và can thiệp kịp thời giúp BHTG thực hiện tốt hơn sứ mệnh của mình là bảo vệ người gửi tiền, góp phần vào sự hoạt động an toàn, lành mạnh hệ thống ngân hàng. Đồng thời, giúp tránh nguy cơ đổ vỡ, rủi ro đối với các TCTD, các ngân hàng. Từ đó, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người gửi tiền.
Tuy nhiên, mỗi quốc gia đều có lịch sử phát triển riêng, cách xử lý cũng như chế tài riêng. Hội thảo hôm nay sẽ giúp BHTGVN có thêm thực tiễn, kinh nghiệm để có những bước đi, giải pháp, tiệm cận thông lệ quốc tế, giúp hoạt động của hệ thống ngân hàng lành mạnh, người gửi tiền yên tâm.