Nâng cao các tiêu chí đã đạt được
Là một trong những địa phương đã hoàn thành xây dựng NTM kiểu mẫu năm 2022, xã Thượng Mỗ đạt trên 3 lĩnh vực: y tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo. Trong đó, đối với lĩnh vực y tế, Trạm Y tế xã được xây dựng mới năm 2019 trên diện tích gần 2.000m², gồm 13 phòng, với đầy đủ trang thiết bị, bảo đảm công tác khám, chữa bệnh cho Nhân dân. Từ năm 2018 đến nay, Trạm Y tế xã đã quản lý sức khỏe cho 99,5% người dân trong xã… Thực hiện kế hoạch của huyện về mô hình trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, Trạm Y tế xã đã tuyên truyền cho người dân mắc những bệnh không lây nhiễm đến trạm để được khám, chữa bệnh, nhất là các bệnh tiểu đường và huyết áp.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đào Thị Hồng cho biết, Huyện ủy Đan Phượng đã ban hành Nghị quyết số 45-NQ/HU về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là nội dung khá mới, bởi trước đây mới chủ yếu quan tâm đến phát triển văn hóa mà chưa quan tâm khai thác giá trị văn hóa để phát triển kinh tế. Bà Đào Thị Hồng cho biết: hiện nay, một số xã, thôn trên địa bàn huyện đã nghĩ đến việc khai thác tiềm năng, thế mạnh để thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Do đó, việc xây dựng các mô hình thôn, tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn; những tuyến đường bích họa, tuyến đê kiểu mẫu… chính là giải pháp xây dựng cảnh quan, điểm check-in, thu hút khách du lịch, tạo ra thu nhập và giá trị kinh tế cho địa phương.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện, thời gian tới, Ban Chỉ đạo cuộc thi “Giữ gìn thôn, tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn” huyện Đan Phượng tiếp tục huy động sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ huyện tới cơ sở, đẩy mạnh thực hiện cuộc thi ngày càng đi vào chiều sâu, theo hướng thiết thực và hiệu quả. Trong đó, tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia tổng vệ sinh, thu gom rác thải tồn đọng, chỉnh trang trước cửa nhà, tại các ngõ, xóm, khu dân dư, tổ dân phố, các điểm kinh doanh buôn bán, cửa hàng, khu họp chợ và các điểm công cộng trên địa bàn. Đồng thời, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về công tác trật tự an toàn giao thông, trật tự xây dựng, mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường; thường xuyên duy trì bóc xóa quảng cáo, rao vặt, chấn chỉnh các biển hiệu, biển quảng cáo vi phạm.
Tương tự, đối với xã Trung Châu, năm 2022, địa phương thực hiện xây dựng NTM kiểu mẫu trên 2 lĩnh vực: giáo dục, y tế. Đối với lĩnh vực giáo dục, xác định xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng NTM kiểu mẫu, xã đã nỗ lực cho việc đầu tư cơ sở vật chất trường học, triển khai xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và 2. Nhờ đó đến nay, cả 4 trường học các cấp ở xã đều đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, trong đó, trường Tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Xã cũng có Trung tâm học tập cộng đồng được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện xếp loại tốt; có mô hình giáo dục thể chất cho học sinh rèn luyện thể lực, kỹ năng, sức bền…
Bên cạnh nâng cao các tiêu chí về y tế và giáo dục, trong năm qua, huyện đã phát động phong trào “Giữ gìn thôn, tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn” nhằm duy trì thường xuyên phong trào giữ gìn ngõ xóm, ngõ phố sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, hoàn thành các tiêu chí xã NTM kiểu mẫu, tiến tới xây dựng huyện Đan Phượng thành quận. Cuộc thi đã lan tỏa rộng khắp đến nhiều thôn, phố với chất lượng ngày càng được nâng lên. Đến nay, nhiều thôn, cụm dân cư trên địa bàn đã quan tâm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, diện mạo nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực như thôn 7, xã Trung Châu; thôn 5, 10 xã Trung Châu; các cụm 4, 7, 9, xã Hạ Mỗ; cụm 5, xã Hồng Hà; thôn Tiến Bộ, xã Thượng Mỗ; cụm 1, 6, 8, xã Tân Hội; cụm 7, xã Thọ An; thôn Thượng, Thôn 2, xã Liên Hà; thôn Trung 2, xã Liên Trung…
Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phan Công Tính cho biết: hiện, nhiều thôn trên địa bàn đã có mô hình hay, cách làm mới, quan tâm đầu tư xây dựng tuyến đê kiểu mẫu, tạo điểm sáng cảnh quan môi trường nông thôn. “Những kết quả tích cực của cuộc thi đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn trong việc bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch” - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện khẳng định.
Nét nổi bật ở các xã trên địa bàn huyện Đan Phượng là kinh tế phát triển, thu nhập bình quân cao. Theo thống kê, thu nhập bình quân năm 2022 trên địa bàn huyện đạt 73 triệu đồng/người/năm (tăng 11,8 triệu đồng so với năm 2020), toàn huyện không có hộ nghèo. Trong đó, một số xã có thu nhập nổi bật, như: Liên Trung đạt 84,2 triệu đồng/người/năm, Tân Lập 82 triệu đồng/người/năm, Đồng Tháp 76,3 triệu đồng/người/năm… Đáng chú ý, hiện mỗi xã trên địa bàn huyện đều có ít nhất 1 mô hình thôn thông minh. Việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động thương mại điện tử, dịch vụ xã hội và quảng bá thương hiệu, cải cách hành chính được thực hiện hiệu quả, góp phần xây dựng nông thôn không chỉ giàu đẹp mà còn văn minh, hiện đại.
Với những nỗ lực nêu trên, đến nay huyện Đan Phượng có tới 12/15 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, là địa phương có số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu nhiều nhất của TP. Hà Nội.
Tăng tốc về đích
Để đạt được những kết quả nêu trên, theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Nguyễn Viết Đạt: trong mỗi giai đoạn, huyện Đan Phượng đều đặt mục tiêu xây dựng NTM là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và có những cách làm sáng tạo. Cụ thể ngay trong giai đoạn 2021 - 2025, từ đầu nhiệm kỳ, huyện đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng NTM kiểu mẫu theo hướng văn minh, hiện đại gắn với tiêu chí phát triển thành quận. Đi kèm với đó, huyện còn có những chính sách hỗ trợ, chẳng hạn hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể cho nông sản, như: rau, cây ăn quả, thịt lợn, đậu phụ, rượu; hỗ trợ xây dựng các mô hình trồng cây ăn quả theo hướng VietGAP tại các xã: Thượng Mỗ, Trung Châu, Tân Lập, Đồng Tháp, Phương Đình, Liên Hà với tổng diện tích 60,9ha. Hỗ trợ kinh phí hoạt động thường xuyên cho các nhà văn hóa quy mô thôn với mức 6-8 triệu đồng/nhà văn hóa/năm (tùy theo quy mô dân số)...
Chia sẻ về kết quả, những kinh nghiệm trong xây dựng NTM của huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thạc Hùng cho biết: Đan Phượng lựa chọn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các dự án giao thông, nhà văn hóa, vườn hoa, sân chơi, trường học, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Đến nay, Đan Phượng đã có 54/55 trường học đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 33/55 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Duy trì 100% các xã đạt chuẩn quốc gia về y tế và mô hình bác sĩ gia đình được triển khai hiệu quả... Nhờ đó, hầu hết các xã của huyện được đánh giá đạt chuẩn NTM kiểu mẫu ít nhất 2 lĩnh vực: giáo dục và đào tạo, y tế.
Trên cơ sở kết quả đạt được, năm 2023, huyện Đan Phượng phấn đấu hoàn thành NTM kiểu mẫu đối với 3 xã còn lại: Liên Hồng, Hạ Mỗ, Thọ An và huyện đạt chuẩn NTM nâng cao. Đến năm 2025, xây dựng và phát triển huyện Đan Phượng nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao, đáp ứng tiêu chí quận.
Đánh giá cao những kết quả huyện Đan Phượng đã đạt được, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối nông thôn mới TP. Hà Nội Ngọ Văn Ngôn khẳng định: Đan Phượng luôn là lá cờ đầu của thành phố trong xây dựng NTM nói chung. Thực tế đến nay, cả 5/5 địa phương được UBND thành phố công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu đều là các xã thuộc huyện Đan Phượng.
Tuy nhiên, để phấn đấu hoàn thành mục tiêu NTM kiểu mẫu đối với 3 xã còn lại, ông Ngọ Văn Ngôn cho rằng: chính quyền các cấp tiếp tục phát huy bài học kinh nghiệm, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, quản lý điều hành chính quyền, tuyên truyền, vận động, giám sát của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể xã hội. Từ đó, tạo sự đoàn kết, đồng thuận, quyết tâm trong các tầng lớp Nhân dân, tiếp tục giữ vững, phấn đấu xứng đáng là xã NTM kiểu mẫu.
Bên cạnh đó, các địa phương cần tiếp tục huy động mọi tiềm năng, nội lực, huy động sức dân, sự tham gia chung sức đồng hành của các doanh nghiệp. Đặc biệt là vận dụng hiệu quả chính sách của Nhà nước để tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí, phấn đấu trở thành những xã NTM kiểu mẫu toàn diện trong giai đoạn tới.
Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP. Hà Nội