Liên quan đến kết quả xây dựng nông thôn mới của tỉnh Trà Vinh, Phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân có cuộc trao đổi với Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn về chặng đường hơn 13 năm cả hệ thống chính trị tỉnh Trà Vinh vào cuộc xây dựng nông thôn mới.
Trải qua 13 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (Chương trình), tỉnh Trà Vinh trở thành tỉnh đầu tiên ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hoàn thành Chương trình, xin ông chia sẻ cảm xúc của ông về điều này?
- Tỉnh Trà Vinh trở thành tỉnh đầu tiên ở ĐBSCL hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) là một thành quả đáng tự hào, không chỉ đối với người dân Trà Vinh mà còn cho cả vùng ĐBSCL và cả nước, tôi vô cùng xúc động và tự hào về thành quả đạt được.
Hơn 13 năm thực hiện Chương trình là một quá trình dài đầy gian nan nhưng cũng không kém phần vinh quang. Chúng ta đã tạo nên một vùng quê ngày càng khởi sắc, văn minh. Thành quả hôm nay là kết tinh của sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của các tầng lớp Nhân dân và sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Đảng và Nhà nước. Nhìn lại chặng đường đã qua, tôi không khỏi bồi hồi nhớ lại những ngày đầu tiên chúng ta bắt tay vào thực hiện chương trình.
Lúc đó, nhiều địa phương còn gặp không ít khó khăn về cơ sở hạ tầng, sản xuất nông nghiệp manh mún, đời sống người dân còn nhiều vất vả. Nhưng với quyết tâm chính trị cao, chúng ta đã từng bước khắc phục những hạn chế, nắm bắt cơ hội để phát triển.
Hôm nay, khi đặt chân đến những vùng quê, chúng ta thấy rõ sự đổi thay kỳ diệu. Con đường làng đã được bê tông hóa, nhà cửa khang trang hơn, trường học, nhà văn hoá, trạm y tế,… được đầu tư xây dựng khang trang. Sản xuất nông nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt.
Để đạt được những thành công như ngày hôm nay, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các cấp trong tỉnh đã không ngừng nỗ lực, sáng tạo, đoàn kết để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; cảm ơn các Bộ, ngành Trung ương đã quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh thực hiện Chương trình; các nhà đầu tư đã tin tưởng và đồng hành cùng tỉnh trong quá trình phát triển.
Tuy nhiên, chúng ta cũng không được chủ quan. Thành công hôm nay chỉ là điểm khởi đầu cho những mục tiêu cao cả hơn. Phía trước còn nhiều khó khăn và thách thức đang chờ đợi. Chúng ta cần tiếp tục đổi mới, sáng tạo để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Thành công của Chương trình là một minh chứng sinh động cho sức mạnh của sự đoàn kết và ý chí quyết tâm. Tôi tin rằng, với những gì đã đạt được, chúng ta sẽ tiếp tục viết nên những trang sử mới cho quê hương Trà Vinh.
- Cũng như nhận định ban đầu, năm 2010, Trà Vinh là tỉnh còn nhiều khó khăn về nguồn lực tài chính, điều kiện tự nhiên không thuận lợi và tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, để đạt được mục tiêu trên, từ đầu nhiệm kỳ Tỉnh uỷ đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 20.7.2021 về xây dựng tỉnh Trà Vinh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM trước năm 2025 và trên trên cơ sở đó, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 54/NQ-HĐND ngày 9.12.2022 về thông qua Đề án xây dựng tỉnh Trà Vinh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM trước năm 2025; đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) đã có quyết định phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên BCĐ phụ trách hướng dẫn, hỗ trợ địa phương thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu thuộc các Bộ tiêu chí xã NTM, xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu; huyện NTM; huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025.
Để đạt các mục tiêu trên, ngoài các chủ trương về văn bản pháp lý, tỉnh tập trung ưu tiên nguồn lực để thực hiện (nguồn ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh); đồng thời chỉ đạo đầu tư có trọng tâm, trọng điểm đúng mục tiêu hàng năm đã đề ra, đặc biệt là sự đóng góp của người dân, cộng đồng tự nguyện hiến đất, cây cối, hoa màu từ đó đã góp phần đưa tỉnh Trà Vinh sớm về đích tỉnh NTM.
Đối với các tiêu chí không cần kinh phí, tỉnh tập trung vận động, tuyên truyền người dân, tổ chức cùng tham gia thực hiện như tiêu chí bảo hiểm y tế, môi trường,…Đối với các tiêu chí cơ sở hạ tầng, tỉnh ưu tiên phân bổ nguồn lực, nhất là ngân sách tỉnh để nâng chất các tiêu chí, đảm bảo đạt theo qui định để tiến tới tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM theo kế hoạch.
Để khơi dậy sức dân và sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền địa phương cùng chung tay xây dựng NTM, lãnh đạo tỉnh Trà Vinh đã làm gì để có sự đồng tâm hợp lực này? Phải chăng từ mô hình “Trên làm gương mẫu mực - Dưới tích cực làm theo” đã được nhân rộng toàn tỉnh?
- Chúng tôi nhận thức rõ rằng, muốn xây dựng nông thôn mới thành công, chúng ta phải huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Chính vì vậy, tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc nhân rộng mô hình “Trên làm gương mẫu mực - Dưới tích cực làm theo”.
Hơn 13 năm triển khai thực hiện Chương trình, bên cạnh những kết quả đạt được đã nổi lên nhiều mô hình với cách làm hay, sáng tạo điển hình mà các địa phương, đơn vị, đoàn thể đã áp dụng hiệu quả. Cụ thể: Lãnh đạo làm gương, các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua, các hoạt động vì cộng đồng. Các đồng chí lãnh đạo đã trực tiếp xuống cơ sở, lắng nghe ý kiến của nhân dân, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất.
Về chính sách, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ về vốn, đất đai, khoa học công nghệ... tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia xây dựng nông thôn mới. Tăng cường công tác tuyên truyền, tỉnh đã sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng để nâng cao nhận thức của người dân về mục tiêu, ý nghĩa của chương trình xây dựng nông thôn mới. Khuyến khích sáng tạo, tỉnh đã tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân phát huy tính sáng tạo, xây dựng nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả trong thời gian qua.
Tiêu biểu trong cách làm hay, hiệu quả, sáng tạo phải kể đến các mô hình điển hình, như: Mô hình “Đồng hành cùng người nghèo”; Mô hình “Khu dân cư gắn với cơ sở tôn giáo bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”; Mô hình “Ngôi nhà thu gom rác thải nhựa”; Mô hình: “Chi hội 5 không 3 sạch”; Mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ dừa hữu cơ; Các mô hình Du lịch cộng đồng..
Các mô hình trên đã và đang tiếp tục được triển khai nhân rộng trong thời gian tới, tất cả các mô hình đều mang lại hiệu quả kinh tế cao và góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống của người dân
Với những kết quả đạt được, thời gian tới lãnh đạo tỉnh Trà Vinh có những chỉ đạo gì để duy trì và nâng chất các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; nhất là các tiêu chí về an sinh, việc làm, thu nhập để cải thiện đời sống người dân nông thôn, giữ gìn bản sắc văn hóa riêng biệt của vùng đất Trà Vinh?
- Như tôi đã nói từ đầu, thành công hôm nay chỉ là điểm khởi đầu cho những mục tiêu cao cả hơn, phía trước còn nhiều khó khăn và thách thức đang chờ đợi nên trong thời gian tới tỉnh Trà Vinh sẽ chỉ đạo và đưa ra một số nhóm giải pháp chính để duy trì và nâng chất các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, nhất là các tiêu chí về an sinh, việc làm, thu nhập để cải thiện đời sống người dân nông thôn, giữ gìn bản sắc văn hóa cụ thể như sau:
Giải pháp về tuyên truyền, vận động: Đổi mới, đa dạng hình thức, phương pháp tuyên truyền, vận động (thông qua loa phát thanh, các phương tiện truyền thông đại chúng, xây dựng trang website sinh hoạt câu lạc bộ, thông qua các tổ chức công giáo, phật giáo,…), phù hợp với từng đối tượng, từng khu vực. Thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Trà Vinh chung sức xây dựng NTM” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Thường xuyên sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm và kịp thời tôn vinh, khen thưởng những cá nhân, tập thể có nhiều đóng góp cho xây dựng NTM.
Giải pháp về cơ chế, chính sách: Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh, đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các chính sách cho phù hợp; tiếp tục hoàn thiện các bộ tiêu chí NTM theo hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương. Ban hành đồng bộ các chính sách về huy động nguồn lực để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án.
Giải pháp đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn:Tranh thủ nguồn vốn từ Trung ương, địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi, nước sạch ở nông thôn. Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn.
Giải pháp thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội: Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, như: chính sách giảm nghèo, chính sách bảo hiểm xã hội, chính sách bảo hiểm y tế, chính sách giáo dục, đào tạo,..Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường học, trạm y tế ở nông thôn.
Giải pháp về huy động và sử dụng nguồn lực: Đa dạng hóa các hình thức huy động kết hợp giữa huy động trực tiếp đầu tư, đóng góp cho xây dựng NTM từ các tổ chức, cá nhân, đồng thời thực hiện hiệu quả huy động lồng ghép nguồn vốn từ 03 Chương trình MTQG triển khai tại địa phương. Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải để sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn vốn hỗ trợ thực hiện Đề án của Trung ương, và các nguồn vốn huy động khác.
Giải pháp phát triển kinh tế tập thể, HTX, OCOP: Củng cố tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, HTX và tiếp tục hỗ trợ các hoạt động quản lý, sản xuất của HTX nhất là đối với các HTX nông nghiệp và tiếp tục thực hiện các cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tập thể, HTX phát triển vững mạnh.
Tập trung nâng chất các sản phẩm OCOP hiện tại và hỗ trợ phát triển sản phẩm ngày càng hiệu quả. Cụ thể, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức; hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ; phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị; nâng cao chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm để các sản phẩm OCOP ở các địa phương được người tiêu dùng trong nước và bạn bè quốc tế biết đến và sử dụng.
Xin cảm ơn ông!