3.194 hộ có nhu cầu cấp bách về nhà ở
Kế thừa, phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc, với nhiều chương trình, đề án hỗ trợ nhà ở, đặc biệt là 3 chương trình mục tiêu quốc gia, từ nguồn ngân sách nhà nước và xã hội hóa, những năm qua, tỉnh Hòa Bình đã triển khai hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhiều nhà ở cho gia đình người có công, hộ nghèo trong toàn tỉnh. Cùng với đó, rất nhiều doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã ủng hộ, giúp đỡ người nghèo hỗ trợ làm nhà, khám chữa bệnh, hỗ trợ sinh kế, làm đường, xây dựng trường học và các công trình dân sinh... với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Nhờ vậy, đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã giảm đáng kể xuống còn 9,2%, hộ cận nghèo giảm xuống còn 8,92%, đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt.
450 ngày là thời gian để tỉnh Hòa Bình hoàn thành mục tiêu xóa xong toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát đến năm 2025. Khối lượng công việc còn rất nhiều, đề nghị các ngành, các địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực, quyết tâm hơn nữa theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: “Vượt nắng, thắng mưa; chỉ bàn làm, không bàn lùi”.
Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình NGUYỄN PHI LONG
Tuy nhiên, toàn tỉnh vẫn còn 20.306 hộ nghèo với 6.362 hộ đang ở nhà tạm, nhà dột nát. Trong đó, có 3.194 hộ có nhu cầu cấp bách về nhà ở là những hộ hiện đang sinh sống trong căn nhà xuống cấp, không bảo đảm tiêu chí “3 cứng”; khung nhà đã bị mối mọt, vách nhà tạm bợ bằng bạt, tre, nứa, mái lá, mái proximăng đã cũ, bị dột nát. Thậm chí, một số hộ có nền nhà bằng đất, sàn nhà gỗ đã mục nát, hư hỏng hoặc bằng nan, tre tạm bợ sinh sống tại các xã có điều kiện khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang cần sự quan tâm hỗ trợ về nhà ở.
“Một căn nhà vững chãi là ước mơ để các hộ dân ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Ngày 9.10, toàn tỉnh đã tổ chức Lễ phát động đợt thi đua cao điểm 450 ngày đêm hoàn thành "xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo” trên địa bàn tỉnh tại huyện Lạc Sơn”, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bùi Văn Luyến chia sẻ.
Phát huy truyền thống “Lá lành đùm lá rách”
Phong trào thi đua “Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” và phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” là những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, mang ý nghĩa chính trị - xã hội và thể hiện tính nhân văn sâu sắc, khơi dậy lòng nhân ái, truyền thống đoàn kết, tạo ra phong trào giúp đỡ người nghèo rộng rãi trong toàn xã hội; góp phần mang lại mái ấm tình thương cho người nghèo, người yếu thế để không ai bị bỏ lại phía sau.
Hưởng ứng phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động, cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh Hòa Bình đã tích cực hưởng ứng và triển khai mạnh mẽ. Từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh đã tiếp nhận ủng hộ quỹ xóa nhà tạm được 43,6 tỷ đồng; phân bổ hỗ trợ xây mới 492 nhà với tổng trị giá 24,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, không thể bố trí 100% từ nguồn ngân sách Nhà nước, do vậy rất cần huy động thêm từ nguồn lực xã hội hóa.
Với thông điệp “triệu tấm lòng yêu thương - nghìn mái nhà hạnh phúc”, mong muốn các hộ nghèo có được một căn nhà vững chãi, ổn định để cải thiện điều kiện sống, phát triển sản xuất, kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững, tại Lễ phát động vừa qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hòa Bình đã tha thiết kêu gọi các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, tập thể, cá nhân, các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh chung tay, góp sức ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và tham gia chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” với tinh thần người có của góp của, người có công góp công, có ít góp ít, có nhiều góp nhiều.
Để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phi Long đề nghị, các ban, ngành, MTTQ, các địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể; nêu cao tinh thần trách nhiệm và phải xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. UBND tỉnh sớm ban hành Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát; trong đó, xác định rõ đối tượng, thứ tự ưu tiên, nguồn lực bảo đảm, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị.
Với quan điểm mỗi ngôi nhà không chỉ được xây dựng bằng cát sỏi, xi măng, sắt thép mà còn được xây dựng bằng tình cảm và trách nhiệm của xã hội, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, MTTQ và các tổ chức thành viên phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc vận động các nguồn lực, huy động sự tham gia đông đảo của đoàn viên, hội viên và cộng đồng dân cư cùng tham gia giúp gia đình, để mỗi ngôi nhà bảo đảm chất lượng tốt nhất, thời gian nhanh nhất và chi phí xây dựng thấp nhất. Ngoài ra, cần tăng cường kiểm tra, giám sát, nhất là phát huy vai trò của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; kiên quyết không để xảy ra sai sót, tham nhũng, tiêu cực.