Người dân đề nghị làm rõ việc được đền bù 0 đồng
Ông Từ Văn Lực, cho biết về nguồn gốc đất của mình, khoảng 1993 nông trường Dừa giải thể, ông và nhiều người dân ở đây đến khai khẩn đất canh tác theo tinh thần khuyến khích khẩn hoang của Nhà nước. Đến 2004, có đoàn đến đo đạc tổng thể diện tích đất của ông và bà con trong ấp, bởi thế hồ sơ địa chính thể hiện rõ chủ sở hữu mỗi thửa đất.
Đến 2007, UBND huyện Phú Quốc (nay là TP. Phú Quốc) công bố quy hoạch khu du lịch Bãi Trường, ông Lực và những hộ còn lại chấp hành chủ trương, nhưng chờ mãi đến tháng 12.2015 mới có quyết định thu hồi đất, nhưng ông Lực và 9 hộ dân còn lại không nhận được quyết định bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Sau đó, người dân có ý kiến nên UBND huyện Phú Quốc ban hành quyết định đền bù, hỗ trợ cho các hộ dân với số tiền 0 đồng.
“Tuy nhiên, sau khi UBND huyện Phú Quốc ban hành quyết định thu hồi đất, lãnh đạo địa phương ban hành quyết định đền bù, hỗ trợ cho gia đình tôi là 0 đồng. Lí do, địa phương nói tôi và những hộ dân khác vào canh tác đất sau khi Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang công bố quy hoạch? Vì sao, dân chúng tôi sống trên thửa đất hơn 20 năm, lệnh công bố quy hoạch, bà con chúng tôi không hay biết?" Bà Hà bày tỏ.
Ngoài các trường hợp nêu trên còn nhiều hộ dân khác, như: hộ Lê Thị Ánh Nguyệt bị thu hồi 10.000m2 đất trồng cây lâu năm, hộ ông Nguyễn Âu cũng bị thu hồi và giải tỏa hơn 4.900m2 (trong giấy 8.800m2…) Các hộ dân này có xác nhận của ban nhân dân ấp về nguồn gốc đất và đặc biệt bà con đều tham gia đóng thuế nhà đất từ 2008 đến năm 2011. Tuy nhiên, 10 hộ dân này đều bị thu hồi đất và giải tỏa trắng.
Ông Nguyễn Âu và nhiều người dân có đất bị thu hồi đặt câu hỏi: “Nếu chính quyền địa phương bảo chúng tôi là bao chiếm đất rừng phòng hộ thì bà con tôi bao chiếm khi nào? Tại sao thấy chúng tôi bao chiếm đất rừng phòng hộ mà không xử phạt hành chính mà địa phương còn thu thuế nhà đất của bà con chúng tôi?”
Đại diện UBND huyện Phú Quốc thoả thuận như nào với các hộ dân?
Sau khi khiếu nại đòi quyền lợi không thành, năm 2017, bà Hà, ông Lực, ông Âu và 7 hộ dân khác làm đơn khởi kiện đến TAND tỉnh Kiên Giang. Các hộ dân yêu cầu TAND tỉnh Kiên Giang hủy bỏ quyết định thu hồi đất, quyết định cưỡng chế thu hồi đất và quyết định bồi thường, hỗ trợ và tái định 0 đồng của của UBND huyện Phú Quốc và Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc.
Đến ngày 16.8.2018, đại diện Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng thỏa thuận thành với các hộ dân tại TAND tỉnh Kiên Giang. Phía người dân rút đơn khởi kiện; còn Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng cam kết với các hộ dân, trong vòng 7 ngày sẽ ban hành văn bản thu hồi quyết định bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (quyết định đền bù, hỗ trợ 0 đồng), đồng thời trong vòng 60 ngày (từ ngày 16.8.2018) UBND huyện Phú Quốc sẽ ban hành quyết định mới về việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho người dân theo quy định pháp luật.
Tuy nhiên, sau khi các hộ dân rút đơn khởi kiện, bà con chờ đợi đã 8 năm qua nhưng đến nay UBND huyện Phú Quốc (nay là TP. Phú Quốc) vẫn chưa ban hành quyết định hỗ trợ, đền bù và tái định cư cho 10 hộ dân như Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc cam kết tại tòa.
Qua hồ sơ cho thấy, từ năm 2018 đến năm 2022, từ sự chỉ đạo của UBND huyện Phú Quốc, lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang, Hội đồng tư vấn xét duyệt đất đai xã Dương Tơ nhiều lần tổ chức xét duyệt nguồn gốc đất cho 10 hộ dân. Thể hiện qua các văn bản: Biên bản số 49/BB-HĐ, ngày 3.9.2019, do Chủ tịch UBND xã Dương Tơ Ngô Triệu Cầm làm Chủ tịch Hội đồng; Biên bản 129/BB-HĐ, ngày 25.12.2021, do Chủ tịch UBND xã Dương Tơ Huỳnh Văn Nhân làm Chủ tịch Hội đồng; Biên bản số 10/BB-HĐ, ngày 15.01.2021; Biên bản số 69/BB-HĐ, ngày 2.6.2021; Biên bản số 48/BB-HĐ, ngày 4.4.2022, các biên bản này do Chủ tịch UBND xã Dương Tơ Huỳnh Văn Nhân làm Chủ tịch Hội đồng tư vấn xét duyệt đất đai xã Dương Tơ.
Theo đó, Chủ tịch 2 Hội đồng tư vấn xét duyệt đất đai xã Dương Tơ đều công nhận nguồn gốc đất của 10 hộ dân dân đủ điều kiện bồi thường quyền sử dụng đất theo Khoản 1, Điều 13, Nghị định 47/NĐ-CP, trong đó có 5 hộ có nguồn gốc sử dụng đất ổn định từ năm 1995, 5 hộ có nguồn gốc sử dụng đất ổn định từ năm 1997. Ngoài ra, các hộ dân còn được Chủ tịch 2 Hội đồng tư vấn xét duyệt đất đai xã Dương Tơ còn xét duyệt chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm.
Tuy nhiên, khi phương án đền bù, hỗ trợ cho người dân được ngành chức năng trình lên Hội đồng thẩm định phương án đền bù, hỗ trợ và tái định cư huyện Phú Quốc thì Hội đồng không chấp thuận; Hội đồng yêu cầu ngành chức năng, UBND xã Dương Tơ xác minh lại nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất của các hộ dân.
Đến ngày 29.5.2024, Hội đồng tư vấn xét duyệt đất đai xã Dương Tơ do Chủ tịch UBND xã Dương Tơ Võ Hồng Linh làm Chủ tịch Hội đồng. Tại buổi xét duyệt này, Hội đồng hủy bỏ 5 biên bản về xét duyệt nguồn gốc đất, đền bù, hỗ trợ và chuyển đổi nghề cho 10 hộ dân do Chủ tịch 2 Hội đồng tư vấn xét duyệt đất đai xã Dương Tơ trước đây xét duyệt.
Ngoài ra, Hội đồng tư vấn xét duyệt đất đai xã Dương Tơ do Chủ tịch UBND xã Dương Tơ Võ Hồng Linh còn kết luận, nguồn gốc đất của 10 hộ dân không đủ điều kiện bồi thường về đất theo khoản 4, Điều 82 Luật đất đai 2013; bởi các hộ dân vào canh tác đất từ năm 2008-2009.
Bà Hà bức xúc nêu: “Vì sao 2 thế hệ chủ tịch xã Dương Tơ là những cán bộ gắn bó lâu năm ở địa phương đều công nhận nguồn gốc đất của bà con chúng tôi đủ điều kiện bồi thường nhưng sau nhiều lần UBND huyện Phú Quốc từ chối bồi thường, yêu cầu UBND xã xác minh lại thì đến năm 2024, Hội đồng tư vấn xét duyệt đất đai xã Dương Tơ lại cho rằng đất đai của bà con chúng tôi không đủ điều kiện bồi thường? Vì sao tại một địa phương mà có kết quả xét duyệt nguồn gốc đất đai bất nhất như vậy?
Báo Đại biểu Nhân dân tiếp tục giám sát, thông tin kết quả thực thi pháp luật của các đơn vị liên quan đến bạn đọc và cử tri cả nước.