Đề xuất cơ chế tuyển dụng nhân tài
Trong đó, về áp dụng pháp luật, UBND TP. Hà Nội đề xuất trường hợp luật, nghị quyết khác của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực có quy định cơ chế, chính sách thuận lợi hơn cho xây dựng, phát triển, bảo vệ thủ đô thì việc áp dụng do HĐND TP. Hà Nội quyết định.
UBND TP. Hà Nội cũng xin ý kiến về quy định việc giao HĐND TP. Hà Nội quyết định thành lập các cơ quan chuyên môn đặc thù, tổ chức hành chính đặc thù cấp thành phố, cấp huyện; quyết định biên chế cán bộ, công chức, số lượng viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập; tăng số lượng đại biểu và đại biểu chuyên trách HĐND TP. Hà Nội (tăng số lượng đại biểu từ 95 lên 125 đại biểu, tỉ lệ chuyên trách 25%)…
UBND TP. Hà Nội xin ý kiến về quy định Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP. Hà Nội được tuyển dụng không qua thi tuyển đối với cá nhân có năng lực, trình độ cao đang ngoài khu vực Nhà nước và bổ nhiệm chức danh quản lý, điều hành ở một số đơn vị sự nghiệp công lập của TP. Hà Nội.
UBND TP. Hà Nội đề xuất được giữ lại 100% tiền sử dụng đất, cho thuê đất để thực hiện nhiệm vụ phát triển Vùng Thủ đô, hỗ trợ di dời các cơ quan Trung ương, trường học, bệnh viện, cơ sở sản xuất theo quy hoạch để có quỹ đất phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ cộng đồng.
Thẩm quyền về đầu tư, về đầu tư công, HĐND TP. Hà Nội quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đầu tư công và có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án sau: dự án đường sắt đô thị; dự án sử dụng vốn đầu tư công tối đa 20.000 tỷ đồng, trừ một số trường hợp được quy định trong dự luật; dự án sử dụng ngân sách trung ương, nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nước ngoài giao thành phố làm chủ đầu tư; dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước kết hợp với nguồn vốn ngoài ngân sách; các dự án đầu tư công bằng vốn ngân sách của thành phố tại địa bàn tỉnh khác hoặc dự án liên tỉnh nằm trong Vùng Thủ đô; các dự án vừa sử dụng ngân sách của trung ương bổ sung có mục tiêu và ngân sách của thành phố phù hợp với quy hoạch, kế hoạch đầu tư công được cấp có thẩm quyền phê duyệt; các dự án do ngân sách trung ương bảo đảm và ủy quyền cho Hà Nội làm chủ đầu tư dự án.
Về đầu tư tư nhân, UBND TP. Hà Nội đề xuất cho phép thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Công nghệ cao và các dự án sau đây: dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị có quy mô sử dụng đất dưới 500ha hoặc quy mô dân số từ 50.000 người trở lên; dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất; khu công nghệ cao.
Ưu tiên xây dựng các khu đô thị, khu nhà ở xã hội tập trung
Dự thảo luật đề xuất chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn thủ đô phải phù hợp với quy hoạch thủ đô, quy hoạch chung thủ đô. Trong đó, Hà Nội ưu tiên đầu tư xây dựng các khu đô thị, nhà ở, các khu nhà ở xã hội tập trung theo hướng hiện đại, thuận tiện ở ngoài đô thị trung tâm, đồng bộ với việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở có trách nhiệm hoàn thành các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo tiến độ, nội dung dự án đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận trước khi đưa công trình nhà ở vào khai thác sử dụng.
Việc phát triển nhà ở xã hội ở thủ đô được thực hiện theo mô hình căn hộ chung cư phù hợp với điều kiện về đất đai, dân cư của thủ đô và quy hoạch chi tiết được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
UBND TP. Hà Nội quyết định quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội trong các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đô thị; nhiệm vụ quy hoạch chi tiết được lập đồng thời với việc lập đồ án quy hoạch chi tiết; việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư có liên quan đối với nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết được thực hiện cùng một thời điểm.
Việc thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết phải được thực hiện trước, làm cơ sở thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết.
Ngoài ra, việc phát triển nhà ở xã hội phải thực hiện theo quy định bố trí vốn ngân sách thành phố để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng xã hội thiết yếu trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội độc lập, UBND TP. Hà Nội giao cơ quan, tổ chức thuộc thành phố Hà Nội thực hiện giải phóng mặt bằng và lập dự án đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng xã hội thiết yếu trong phạm vi ranh giới của dự án.
Thời hạn sử dụng nhà chung cư được xác định theo hồ sơ thiết kế khi cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng; thời hạn này chỉ áp dụng đối với chung cư mới xây dựng kể từ ngày Luật này có hiệu lực.
Đối với các trường hợp nhà chung cư buộc phải phá dỡ do hết thời hạn sử dụng hoặc buộc phải phá dỡ theo quy định của pháp luật về nhà ở thì chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm xây dựng lại hoặc lựa chọn nhà đầu tư xây dựng lại nhà chung cư.
Trường hợp chủ sở hữu nhà chung cư không xây dựng lại hoặc không lựa chọn được nhà đầu tư xây dựng lại nhà chung cư thì UBND TP. Hà Nội thực hiện giải phóng mặt bằng và các quy trình để xây dựng lại nhà chung cư theo quy định của pháp luật về xây dựng.
UBND TP. Hà Nội quyết định phạm vi ranh giới dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư khi lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết và quyết định điều chỉnh lại chức năng sử dụng đất trong phạm vi dự án.
Theo dự thảo luật, HĐND TP. Hà Nội quyết định việc sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương hoặc vay từ quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách để tổ chức lập quy hoạch, kiểm định, thực hiện đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trong trường hợp UBND TP. Hà Nội thực hiện đầu tư xây dựng...