125.000ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao
Đề án nhằm hình thành vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung quy mô lớn, ổn định lâu dài, tạo thuận lợi để tổ chức lại sản xuất lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) theo hướng hiện đại, đáp ứng đa mục tiêu.
Là tỉnh có diện tích lúa đứng thứ 4 khu vực ĐBSCL, Long An có vùng chuyên canh lúa Đồng Tháp Mười. Tham gia Đề án, mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, tỉnh hình thành 125.000ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam. Mục tiêu cụ thể là đến năm 2025, quy mô diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt 60.000ha; đến năm 2030, quy mô diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh đạt 125.000ha.
Tỉnh triển khai, thực hiện Đề án trên địa bàn 8 huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Đức Huệ, Thủ Thừa và thị xã Kiến Tường theo 2 giai đoạn. Tại các vùng chuyên canh này, nông dân sẽ giảm lượng giống gieo sạ xuống dưới 70kg/ha, giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống. 100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững như “1 phải, 5 giảm”, SRP, tưới ướt - khô xen kẽ, các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận và được cấp mã số vùng trồng.
Hướng đến phát triển chuỗi giá trị sản xuất lúa bền vững
Long An có vùng quy hoạch sản xuất lúa chuyên canh chất lượng cao, tỉnh đã tham gia dự án VnSAT giai đoạn 2016 - 2022, đây là lợi thế để tỉnh tiếp tục triển khai Đề án trên nền đã có. Cùng với đó, Chương trình phát triển phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một trong các chương trình đột phá của tỉnh trong 2 nhiệm kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh. Hiện trạng nông dân áp dụng theo các tiêu chí của Đề án như áp dụng theo tiêu chuẩn 1P5G, ứng dụng công nghệ cao, sử dụng giống nguyên chủng và xác nhận, cơ giới hóa trong các khâu sản xuất... cũng đã cơ bản đáp ứng các tiêu chí tạo nền để thực hiện đề án.
UBND tỉnh Long An đã ban hành Quyết định số 8815/QĐ-UBND về việc ban hành hướng dẫn nội dung khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Theo đó, khi tham gia thực hiện Đề án, các đối tượng sẽ được hỗ trợ về kỹ thuật, vốn, cơ sở hạ tầng; cung cấp giống lúa chất lượng cao; hỗ trợ tiếp cận thị trường tiêu thụ ổn định; được hỗ trợ các cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển nông nghiệp, chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát triển đất trồng lúa và các chính sách trong khuôn khổ Đề án; được chia sẻ lợi ích từ việc bán tín chỉ carbon…
Vụ Đông Xuân 2023 - 2024 là vụ đầu tiên tỉnh thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh Vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” với tổng diện tích hơn 23.000ha. Trong đó, 2 hợp tác xã (HTX) được chọn làm điểm thực hiện là HTX Nông nghiệp Gò Gòn (huyện Tân Hưng) và HTX Dịch vụ Thương mại Nông nghiệp Cây Trôm (huyện Vĩnh Hưng). Hầu hết diện tích đều đã được thu hoạch và đạt kết quả tích cực.
Những năm qua, HTX Nông nghiệp Gò Gòn là đơn vị chủ lực của địa phương về xây dựng cánh đồng lớn, liên kết 4 nhà, kết hợp thực hiện chương trình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất để cải thiện tình trạng tổ chức sản xuất vẫn còn nhỏ, lẻ, phân tán của người dân. Nhờ kiên trì theo các quy trình canh tác bền vững, lượng giống giảm chỉ còn dưới 100kg/ha, số lần bơm nước cũng giảm còn 5 lần mỗi vụ, thay vì đến 7 - 8 lần. Đặc biệt, HTX không còn đốt đồng sau khi thu hoạch mà sử dụng máy cuốn rơm, cày vùi rơm rạ... Thực hiện Đề án trong vụ Đông Xuân vừa qua, HTX giảm lượng giống gieo sạ xuống 80kg/ha, áp dụng quy trình “1 phải, 5 giảm”, đưa cơ giới hóa vào sản xuất... từ đó thu được một số kết quả hết sức khả quan, nhất là giảm được chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận.
Có thể nói, việc khởi động Đề án được xem là bước khởi đầu cho việc sản xuất lúa theo hướng bền vững; là cột mốc bắt đầu cho quyết tâm hành động của nông dân, doanh nghiệp, HTX trong việc cùng nhau xây dựng chuỗi ngành hàng lúa gạo theo hướng bền vững; không chỉ giúp gia tăng giá trị hạt gạo mà còn tạo ra môi trường sản xuất lúa gạo bền vững cho việc sản xuất lúa gạo của các thế hệ sau này. Ngành nông nghiệp tỉnh yêu cầu các địa phương căn cứ tiêu chí của Đề án, xác định các vùng đạt tiêu chí, đăng ký và xây dựng kế hoạch thực hiện; bố trí kinh phí hoàn thiện các điều kiện ban đầu để triển khai trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Các địa phương cũng cần chủ động tham mưu, đề xuất ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và hỗ trợ các HTX tham gia Đề án, hướng đến phát triển chuỗi giá trị sản xuất lúa bền vững.