Cải thiện rõ rệt lợi nhuận cho nông dân
Long An là địa phương đứng thứ tư khu vực đồng bằng sông Cửu Long về sản lượng lúa, với gần 3 triệu tấn/năm. Từ năm 2016 đến nay, ngành Nông nghiệp tỉnh tập trung xây dựng vùng lúa ứng dụng công nghệ cao 60.000ha tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười - chiếm 78% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp cả tỉnh, nhằm phát triển ngành hàng lúa gạo theo hướng hàng hóa, tăng sức cạnh tranh, thân thiện môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đến nay, diện tích lúa ứng dụng công nghệ cao vùng Đề án là 59.671ha/60.000ha, đạt 99,45% kế hoạch. Việc triển khai Chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất lúa đã góp phần rất quan trọng khắc phục tình trạng thiếu lao động trong sản xuất nông nghiệp thông qua ứng dụng cơ giới hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất gia tăng ở các khâu, qua các năm, từng giai đoạn.
So với trước khi tham gia mô hình thuộc vùng Đề án, nông dân đã mạnh dạn ứng dụng giống xác nhận để gieo sạ, giúp giảm mật độ gieo sạ 10 - 30 kg/ha; đã biết ứng dụng phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh qua đó giúp giảm lượng phân hóa học 10 - 30%; hiện tại, việc ứng dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật đã trở nên phổ biến, qua đó giúp giảm chi phí công lao động, giảm lượng thuốc sử dụng. Việc gieo sạ, bón phân bằng thiết bị bay không người lái đã bắt đầu triển khai ứng dụng trong 1 - 2 năm gần đây…
Từ ứng dụng các giải pháp kỹ thuật trên đã giúp giảm chi phí sản xuất khoảng 5 - 15%, lợi nhuận tăng 5 - 20% so với trước đây. Hiệu quả kinh tế cho thấy, lợi nhuận cho nông dân khi tham gia mô hình được cải thiện rõ rệt; sản lượng lúa của tỉnh tăng vượt bậc, đạt bình quân hơn 2,8 triệu tấn lúa/năm, đặc biệt năm 2023, sản lượng lúa vượt mức 3 triệu tấn.
Không chỉ thay đổi thói quen sản xuất truyền thống
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cùng với cây lúa, diện tích chanh ứng dụng công nghệ cao tại vùng Đề án hiện có 3.738ha/3.000ha, đạt 125% kế hoạch, đem lại lợi nhuận từ 154 - 210 triệu đồng/ha, chênh lệch lợi nhuận người dân không tham gia mô hình từ 31 - 50 triệu đồng/ha. Có 5.829ha/6.000ha thanh long ứng dụng công nghệ cao, đạt 97,15% kế hoạch. So với trước khi tham gia mô hình thuộc vùng Đề án, việc sử dụng phân hữu cơ được tăng cường, sử dụng phân bón và thuốc BVTV hợp lý hiệu quả đã giúp giảm lượng phân hóa học 10 - 15%, góp phần giảm chi phí đầu tư sản xuất và tăng lợi nhuận 15 - 20% so với trước khi tham gia vào đề án.
Đối với con tôm, lũy kế thực hiện đến nay, có 1.444/100ha kế hoạch. Qua triển khai các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao cho thấy người dân đã mạnh dạn đầu tư thiết bị máy móc, thả nuôi 2 - 3 giai đoạn, ao lót lưới đáy, trang bị đầy đủ thiết bị máy móc, thả nuôi mật độ cao nên sản lượng tăng lên, đạt hiệu quả hơn. Lợi nhuận của người dân tham gia mô hình mang lại dao động từ 0,8 - 1,7 tỷ đồng/ha. Mô hình đã góp phần thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất của nông dân, nhất là nuôi tôm nhiều giai đoạn, kiểm soát chặt môi trường, giảm thuốc, hóa chất, tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học cải thiện môi trường, góp phần bảo vệ môi trường trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp. Các mô hình điểm đều đạt hiệu quả cao, người dân thu tôm lãi nhiều, tôm đạt đầu tấn, giá bán cao, người nuôi đầu tư cho vụ nuôi lớn, bài bản, có nguồn vốn lớn, mô hình có thể triển khai nhân rộng cho các hộ nuôi khác học hỏi kinh nghiệm làm theo.
Việc triển khai mô hình nuôi bò thịt ứng dụng công nghệ cao không chỉ thay đổi thói quen chăn nuôi truyền thống của người nông dân mà còn giúp nâng cao chất lượng và giá trị đàn bò. Một số hộ chăn nuôi tham gia mô hình đã mạnh dạn thực hiện chuyển đổi chăn nuôi theo hướng hiện đại, áp dụng kỹ thuật tiên tiến. Cụ thể như: chuyển đổi giống bò cái sinh sản năng suất cao thay thế dần đàn bò địa phương năng suất thấp; thực hiện cơ giới hóa trong chăn nuôi bò nhằm giảm công lao động, đặc biệt là khâu thu hoạch và sơ chế cỏ, mạnh dạn đầu tư, sửa chữa chuồng trại phù hợp tăng năng suất, thay đổi trồng các giống cỏ năng suất chất lượng cao... Việc hình thành các mô hình điểm ứng dụng công nghệ cao sẽ là hạt nhân về công nghệ và tổ chức sản xuất có sức lan tỏa ra các hộ chăn nuôi bò thịt trong vùng.
Một thực tế đáng chú ý trong thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp Long An là thiếu quỹ đất sạch để thu hút đầu tư của các doanh nghiệp làm đầu tàu dẫn dắt cho ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp phải tự đến cơ sở để thoả thuận trực tiếp với người dân tham gia sản xuất. Số doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn ít; các doanh nghiệp chưa có nhiều hoạt động nghiên cứu ứng dụng công nghệ hiện đại trong khâu sơ chế, chế biến để nâng cao năng suất sản xuất. Doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất còn hạn chế. Chưa có nhiều doanh nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại trong khâu sơ chế, chế biến để nâng cao hiệu quả sản xuất. Bên cạnh đó, việc đầu tư cho các mô hình ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi chi phí lớn, trong khi vốn đối ứng của người dân, tổ hợp tác, hợp tác xã không bảo đảm.