Từng bước tạo dựng thương hiệu
Toàn tỉnh Long An hiện đã hỗ trợ xây dựng 13 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; cấp 750.000 tem truy xuất quét mã QR. Đến nay, đã xây dựng được 35 chuỗi rau, thanh long, chanh, gạo, thịt gà, thịt heo, thủy sản, nông sản khác; phối hợp Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh khảo sát, xây dựng và trao 10 giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia chuỗi (thịt gà, trứng gà, thịt bò, nước mắm, rau, chuối); hướng dẫn, hỗ trợ 21 doanh nghiệp, HTX tham gia chuỗi sử dụng tem điện tử (2.511.000 con tem) truy xuất nguồn gốc sản phẩm an toàn. Toàn tỉnh có 294 lượt mã số vùng trồng với tổng diện tích 14.121,95ha xuất khẩu sang các thị trường: Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, EU, châu Âu, Nga, Anh, Trung Quốc.
Những chỉ dẫn địa lý, mã số vùng trồng, chứng nhận hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP... như những "tấm vé thông hành” giúp nhiều loại nông sản của tỉnh như chanh, gạo, thanh long... từng bước tạo dựng được thương hiệu, chinh phục các thị trường lớn trên thế giới.
Điển hình, thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) trên cây chanh, đến nay, toàn huyện Bến Lức có 426ha chanh ƯDCNC. Chanh không hạt Long An không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn chinh phục thị trường châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Đông. Hiện nay, chanh không hạt của huyện Bến Lức được người nước ngoài ưa chuộng và thường được dùng chế biến món ăn hoặc giải khát. Nhiều doanh nghiệp tham gia liên kết cùng nông dân huyện tạo ra sản phẩm chanh không hạt đạt các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Đầu tháng 7.2024, Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận “Bến Lức - Long An”. Đây là tin vui cho người trồng chanh bởi giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý chính là “tấm vé thông hành” để quả chanh tiếp cận và chinh phục các thị trường xuất khẩu, nâng cao giá trị và cải thiện thu nhập cho người trồng chanh.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện toàn tỉnh Long An có hơn 11.300ha chanh, tập trung tại các huyện: Bến Lức, Thủ Thừa, Đức Hòa, Đức Huệ và Thạnh Hóa. Sản lượng trái hàng năm khoảng 180.000 tấn. Toàn tỉnh xây dựng được hơn 3.700ha chanh ứng dụng công nghệ cao và hơn 664ha chanh được cấp chứng nhận GAP. Cùng với đó, tỉnh có 41 mã số vùng trồng, 31 mã số cơ sở đóng gói và 1 chỉ dẫn địa lý chanh không hạt Bến Lức - Long An.
Phát huy vai trò “nòng cốt” của các hợp tác xã
Phát huy vai trò của các HTX nông nghiệp trong tổ chức lại, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, ngành nông nghiệp đã phối hợp củng cố các HTX nông nghiệp đã thành lập trong vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Hiện toàn tỉnh có 322 HTX, trong đó có 244 HTX nông nghiệp với hơn 5.700 thành viên, vốn điều lệ gần 200 triệu đồng/HTX. Ước kết quả đến 31.5.2024, đã củng cố 120/144 HTX trong vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC của tỉnh, đạt tỷ lệ 83,3%.
Cùng với đó, xây dựng HTX điểm sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Phối hợp với các địa phương xây dựng 17 HTX điểm, trong đó xây mới 13 HTX và duy trì 4 HTX điểm giai đoạn 2016 - 2020. Hỗ trợ 4 HTX điểm thực hiện dự án/kế hoạch liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản năm 2024… Theo báo cáo các huyện, thị, thành phố, tới thời điểm 31.5.2024, có 107 HTX sản xuất ứng dụng CNC trong vùng quy hoạch sản xuất ứng dụng CNC của tỉnh. Trong đó, số lượng HTX sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC hoạt động tốt, khá là 56/107 HTX, đạt tỷ lệ 52,3%. Doanh thu bình quân các HTX đạt 1.650 triệu đồng/HTX, lợi nhuận bình quân đạt 72,4 triệu đồng/HTX.
Hiện nay, tỉnh triển khai nhiều chương trình, dự án, đề án gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, đặc biệt là Đề án Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu cây ăn quả vùng Đồng Tháp Mười đạt chuẩn tiêu thụ trong nước và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025; Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh Vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030. Để thực hiện tốt các đề án này, HTX đóng vai trò “mắt xích” quan trọng, giúp tỉnh triển khai nhanh chóng, hiệu quả các kế hoạch đề ra. Bởi thực tế, các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước không thể đầu tư trực tiếp vào nông dân, không thể đầu tư nhỏ, lẻ, manh mún mà phải thông qua HTX làm cầu nối.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thành lập HTX trong vùng Đề án CNC cũng đang gặp nhiều khó khăn, một số mô hình điểm sản xuất ứng dụng CNC thực hiện hiệu quả nhưng khi nhân rộng lại gặp khó khăn về vốn đối ứng của người dân do thiếu vốn. Hoạt động HTX còn đơn điệu, chủ yếu là cung ứng dịch vụ đầu vào, thiếu liên kết tiêu thụ đầu ra của sản phẩm nông nghiệp; tham gia vào chuỗi liên kết giá trị không nhiều; chưa thật sự là “cầu nối” vững chắc liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ nông sản…