Nhận định này của Ủy ban Tư pháp không làm chúng ta quá ngạc nhiên. Bởi theo dõi công tác phòng, chống tham nhũng nhiều năm qua cho thấy, bên cạnh những kết quả rất đáng ghi nhận thì tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ vẫn là khâu yếu dường như đã trở thành điệp khúc! Báo cáo thẩm tra gửi đến Quốc hội, Kỳ họp thứ Mười, Khóa XIV thẩm tra về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020 của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp cũng đã chỉ rõ, việc phát hiện tham nhũng thông qua công tác tự kiểm tra nội bộ, kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới là khâu yếu tồn tại nhiều năm, nhưng vẫn chưa được khắc phục. “Công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ vẫn là khâu yếu” lại một lần nữa được Ủy ban Tư pháp nhận định khi thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021. Điều đó cho thấy, việc tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ đã trở thành một trong điểm yếu kéo dài trong nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục.
Việc không phát hiện tham nhũng qua tự kiểm tra nội bộ có thể là một điều đáng mừng. Điều đó cho thấy, có thể cơ quan, đơn vị, địa phương đã làm tốt công tác phòng ngừa, nên không còn đất cho tham nhũng nảy sinh. Tuy nhiên, cũng có thể có nguyên nhân từ những điều “tế nhị” khác. Có những địa phương, bộ, ngành không phát hiện hành vi tham nhũng qua tự kiểm tra nội bộ cho đến khi cơ quan chức năng vào cuộc phát hiện và xử lý. Điều đó cho thấy, việc tự kiểm tra nội bộ về tham nhũng chưa thật sự phát huy hiệu quả.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc tự phát hiện tham nhũng nội bộ vẫn yếu. Trong đó, có lý do từ người đứng đầu chưa nhận thức đầy đủ và chưa làm hết trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Việc tự phát hiện tham nhũng bị “ngó lơ” bởi chính người đứng đầu cũng “dính” đến tiêu cực, tham nhũng. Khi người đứng đầu “dính chàm” thì việc phát hiện tham nhũng trong nội bộ còn yếu cũng là điều dễ hiểu. Ngoài ra, không loại trừ có nguyên nhân từ tâm lý ngại va chạm, né tránh, coi việc phát hiện, tố cáo tham nhũng chẳng khác gì “đâm đầu vào đá”, bởi đa số người có hành vi tham nhũng là người có chức vụ, quyền hạn. Điều này dẫn đến tình trạng biết nhưng không muốn nói, không dám nói, do đó không có biện pháp ngăn chặn hành vi tham nhũng kịp thời.
Khác với hành vi vi phạm pháp luật khác, hành vi tham nhũng có độ ẩn cao bởi đa số chủ thể của loại tội phạm này là người hiểu biết pháp luật, có chức, có quyền nên việc tự phát hiện tham nhũng không phải là điều dễ dàng. Điều này cần đòi hỏi đội ngũ thực thi việc kiểm tra nội bộ để phát hiện tham nhũng phải có chuyên môn, nghiệp vụ.
Vai trò của người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng nói chung, trong tự phát hiện hành vi tham nhũng nói riêng rất quan trọng. Điều này được quy định rất rõ trong Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Theo đó, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, Nhà nước, đoàn thể, cơ quan, đơn vị phải gương mẫu thực hiện và có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; chủ động tự phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Coi kết quả công tác phòng, chống tham nhũng là thước đo đánh giá phẩm chất, năng lực, trách nhiệm và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu. Xử lý kịp thời, nghiêm minh người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình trực tiếp lãnh đạo, quản lý nhưng không chủ động phát hiện, xử lý, nhất là đối với trường hợp bao che, ngăn cản việc phát hiện, xử lý tham nhũng.
Để phát hiện tham nhũng qua tự kiểm tra “vẫn là khâu yếu” không trở thành điệp khúc, việc cá thể hóa trách nhiệm cũng như xử lý nghiêm minh người đứng đầu để lọt hành vi tham nhũng là rất cần thiết. Cùng với đó, phải tăng cường kiểm soát quyền lực và trách nhiệm giải trình. Ngoài ra, cần có quy định khuyến khích người đứng đầu phát hiện tham nhũng, tiêu cực tại cơ quan, đơn vị, địa phương do mình phụ trách qua công tác tự kiểm tra. Có như vậy, mới xóa bỏ tâm lý người đứng đầu: chẳng dại gì mà “vạch áo cho người xem lưng”.