Chiều 8.9, tôi mới gặp một Trưởng phòng của Cục Quản lý giá để thuyết phục cán bộ này ở lại. Tôi phải đưa ra điều kiện. Tôi hỏi: Em đã làm ở Bộ Tài chính 20 năm, có 2 bằng đại học, 1 bằng thạc sĩ, giỏi tiếng Anh, bây giờ bỏ, em làm gì? Cô ấy bảo là em không làm gì, em chỉ nghỉ thôi. Tôi hỏi cô ấy là nếu ở, tôi có thể chuyển sang bộ phận khác ít rủi ro hơn, nhàn hơn thì cô bảo em chỉ xin về thôi - ông Phớc nhấn mạnh...
Thực tế, tại một số địa phương và bộ, ngành ví dụ như ngành y tế đã có "làn sóng" xin nghỉ việc. Nguyên nhân được cho là do thu nhập, cơ hội thăng tiến và áp lực công việc. Do đầu vào, tức việc tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức dễ dàng nhưng đầu ra, tức tinh giản biên chế lại bị nhiều lực cản, trong khi đó, để định lượng được chất lượng công chức rất khó khăn - dù thời gian qua, Chính phủ cũng như các bộ, ngành liên quan đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng cũng như khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc.
Mới đây nhất, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã ký văn bản gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố về việc khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc. Theo đó, để khắc phục tình trạng trên, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các bộ, ngành, địa phương quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đặc biệt là ở cấp cơ sở.
Cải thiện môi trường làm việc theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, cạnh tranh lành mạnh, tạo cơ hội phát triển, gắn kết, gắn bó, ổn định. Bộ quản lý ngành, lĩnh vực tham mưu, hoàn thiện các quy định về xã hội hóa, định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí làm cơ sở ban hành đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước... làm cơ sở để phê duyệt phương án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Bên cạnh đó, cần có các chính sách hỗ trợ kịp thời đối với cán bộ, công chức, viên chức có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý có năng lực, uy tín để tổ chức tốt công việc, tạo niềm tin, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức làm việc.
Ngoài ra, cần đổi mới công tác bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức để tạo cơ hội, điều kiện phát triển, nhất là cán bộ trẻ. Có cơ chế, chính sách thỏa đáng, làm cơ sở định hướng phát triển chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục đổi mới lề lối làm việc, cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước...
"Làn sóng" nghỉ việc ở một số địa phương, một số ngành là thực tế. Nhìn nhận ở khía cạnh tích cực, có ý kiến cho rằng, dù chuyển từ công sang tư hay tìm công việc khác cũng vẫn là cống hiến cho đất nước. Tuy vậy, điều quan trọng nhất là nền công vụ phải nhìn lại, phải cấp thiết đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ. Bởi với cơ chế hiện hành, nhân sự khu vực công dịch chuyển sang khu vực tư sẽ còn diễn ra. Đây là cảnh báo, là "chỉ dấu" để lãnh đạo, người làm chính sách phải suy nghĩ, nắm rõ nguyên nhân và đề ra giải pháp hiệu quả.