Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này là việc mở rộng phạm vi các dự án Nhà nước thu hồi như: thu hồi đất để sử dụng vào mục đích công cộng (ngoài các dự án đầu tư công, các dự án đầu tư theo phương thức PPP và các dự án hạ tầng khác); dự án khu nhà ở thương mại - Luật Đất đai hiện hành không có trường hợp này; các dự án khác được trên 80% người dân có đất thu hồi đồng ý…
Thu hồi đất là một chế định rất quan trọng trong Luật Đất đai. Do đó, nếu luật quy định không rõ các điều kiện, tiêu chí đối với các trường hợp thu hồi đất dễ dẫn đến lạm dụng, thu hồi đất tràn lan, không bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người có đất bị thu hồi.
Băn khoăn, lo ngại này không phải là không có lý khi thời gian qua, những vụ khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến thu hồi đất luôn chiếm tỷ lệ lớn. Không ít trường hợp thu hồi đất không nhận được sự đồng thuận của người bị thu hồi đã phát sinh điểm nóng khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến đất đai.
Liên quan đến thu hồi đất, Nghị quyết số 18-NQ/TW nêu rõ: “Quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”. Khoản 3, điều 54 của Hiến pháp cũng quy định chặt chẽ về các trường hợp thu hồi đất, theo đó “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”.
Trong khi đó, về chế định thu hồi đất trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), khoản 5 Điều 70 dự thảo Luật quy định Nhà nước thu hồi đất đối với “các dự án khác được trên 80% người dân có đất thu hồi đồng ý”. Nhiều ý kiến cho rằng, quy định như dự thảo là chưa bảo đảm minh bạch, rõ ràng, do chưa xác định “các dự án khác” trong trường hợp này có phục vụ mục đích phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng hay không? Nếu quy định không rõ, không cụ thể, dễ dẫn đến lợi dụng chính sách để thu hồi đất, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân. Ngoài ra, quy định này cũng làm gia tăng sự can thiệp hành chính của Nhà nước trong quan hệ đất đai, dễ dẫn đến phản ứng tiêu cực từ người sử dụng đất, gia tăng khiếu nại, khiếu kiện về đất đai.
Cơ quan soạn thảo cần làm rõ, với 20% người dân không đồng ý với phương án thu hồi thì sẽ giải quyết như thế nào? Liệu quy định như dự thảo Luật có giải quyết được tình trạng khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến thu hồi đất đai như thời gian qua hay không? Đây là điều cơ quan soạn thảo phải hết sức cân nhắc. Bởi việc thu hồi đất phải bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước và của người bị thu hồi đất, tránh phát sinh những điểm nóng không đáng có về khiếu nại, khiếu kiện.
Ngoài ra, dự thảo Luật cũng quy định, việc thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng phải dựa trên các căn cứ:“Dự án thuộc các trường hợp thu hồi đất quy định tại Điều 69 và Điều 70 của Luật này; Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Tiến độ sử dụng đất thực hiện dự án”. Như vậy, dự thảo Luật vẫn chỉ theo hướng liệt kê cụ thể các trường hợp mà Nhà nước thu hồi đất, chưa thể chế hóa mục đích, điều kiện, tiêu chí cụ thể để thu hồi đất theo yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Thu hồi đất công khai, minh bạch, phục vụ cho lợi ích chung luôn nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân, của người bị thu hồi đất. Điều này, giúp phát triển kinh tế - xã hội và ngược lại, có thể sẽ phát sinh những khiếu nại, khiếu kiện kéo dài. Cũng bởi đây là "luật được cả xã hội đang mong đợi", do đó cơ quan soạn thảo càng cần phải thận trọng, kỹ lưỡng. Theo đó, cần minh định rõ các điều kiện, tiêu chí khi thu hồi các dự án trong dự thảo Luật này, tránh việc tùy nghi, lạm dụng thu hồi đất tràn lan. Phải đánh giá kỹ lưỡng, để việc thu hồi đất trên tinh thần bảo đảm hài hòa lợi ích quốc gia, lợi ích của cộng đồng, lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích của chính người dân bị thu hồi đất.