Cụ thể ngày 15.4, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Tổ trưởng Tổ công tác số 3 của Thủ tướng đã chủ trì hội nghị trực tuyến về giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 với 9 tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc.
Trước đó, ngày 13.4, tại Phú Yên, Tổ công tác số 2 của Chính phủ do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dẫn đầu đã làm việc với các tỉnh, thành phố Phú Yên, Khánh Hòa, Quảng Ngãi và kết nối trực tuyến đến các địa phương gồm Hà Nội, Đà Nẵng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định.
Cũng trong ngày 13.4, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Tổ trưởng Tổ công tác số 1 của Thủ tướng Chính phủ, đã họp với 17 bộ, ngành, cơ quan trung ương về giải ngân vốn đầu tư công.
Báo cáo của các bộ, ngành, địa phương cho thấy, về cơ bản, tiến độ giải ngân đều rất chậm, thậm chí có 13 bộ, cơ quan Trung ương, tỷ lệ giải ngân là 0%. Có nhiều lý do được nêu ra để lý giải cho tình trạng này. Đó là do mất nhiều thời gian để hoàn thành thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư; việc cấp phép khai thác các mỏ vật liệu xây dựng, xác định nguồn vật liệu san lấp, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất lúa sang mục đích khác… Do công tác tổ chức thực hiện như lập kế hoạch, chuẩn bị thủ tục đầu tư dự án chưa sát sao, chưa phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Trước tiến độ giải ngân rất chậm này, đại diện các Tổ công tác đều nhấn mạnh tinh thần nêu cao trách nhiệm, tích cực cộng đồng trách nhiệm, phối hợp cùng nhau tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương phải quyết liệt hơn, khẩn trương hơn trong tháo gỡ nút thắt về thể chế, trong đó có việc cho ý kiến phối hợp; tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong xử lý những khó khăn, vướng mắc vì cùng một mặt bằng pháp lý nhưng có địa phương có tiến độ giải ngân cao.
Đặc biệt, cần hạn chế tối đa đầu tư dàn trải, phân tán, gây lãng phí nguồn lực, giảm hiệu quả đầu tư, tốn thời gian thực hiện quy trình thủ tục, thậm chí gây rủi ro về công tác cán bộ. Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần sớm phân bổ nguồn vốn, nhất là Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội và nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia; khẩn trương thực hiện quy hoạch trình Chính phủ phê duyệt để có cơ sở thực hiện các dự án. Trước ngày 20.4, các tỉnh, thành phố phải báo cáo những dự án cần có sự kéo dài kế hoạch sử dụng vốn của năm 2022 để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 4.2023.
Thực tế, việc giải ngân vốn đầu tư công luôn trong tình trạng "lụt" tiến độ. Và để bảo đảm tiến độ giải ngân, điều quan trọng là các bộ, ngành địa phương phải coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, phải thường xuyên bám sát tình hình thực tiễn, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc cho từng dự án, nhiệm vụ cụ thể. Phải siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong công tác giải ngân, đồng thời xác định rõ đây là trách nhiệm của người đứng đầu.
Bởi như khẳng định của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái thì vốn đã có mà không giải ngân được thì dòng tiền, thanh khoản của nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng. Nếu để "tích tiểu thành đại", đọng vốn nhiều sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế và chính sách tài khóa, tiền tệ.