Ngược lại, khi các thông số đầu vào biến động làm giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 1% trở lên so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành thì giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh tăng. Quy định này có sự thay đổi so với cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg, cụ thể là khi thông số đầu vào tăng 3% thì giá điện mới tăng.
Về thẩm quyền điều chỉnh giá điện, dự thảo quy định trường hợp giá bán lẻ điện bình quân tính toán tăng từ 1% đến dưới 5% so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành và trong khung giá, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân ở mức tương ứng và tăng giá bán lẻ điện cho từng nhóm khách hàng sử dụng điện theo quy định hiện hành về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Sau khi điều chỉnh, EVN có trách nhiệm lập hồ sơ báo cáo Bộ Công thương, Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để kiểm tra, giám sát...
Trong trường hợp giá bán lẻ điện bình quân tính toán tăng từ 5 đến dưới 10% so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành và trong khung giá, EVN lập hồ sơ phương án giá bán lẻ điện bình quân trình Bộ Công thương, Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp kiểm tra, rà soát và có ý kiến đối với phương án giá bán lẻ điện bình quân...
Có thể thấy, quyền tự quyết tăng giá bán lẻ điện bình quân của EVN trong dự thảo được nới rộng hơn nhiều so với quy định được tăng giá trong phạm vi 3% đến dưới 5% hiện nay. Bởi vậy, không ít ý kiến bày tỏ lo ngại. Cụ thể, một chuyên gia phân tích, với quyền tự quyết được nới rộng như vậy, rất có thể doanh nghiệp sẽ lạm dụng quyền để tăng giá bất hợp lý, liên tục, trong khi điện là mặt hàng có mức độ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân và các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nhìn nhận ở khía cạnh khác, có ý kiến cho rằng, việc cơ quan quản lý nhà nước có chủ trương hướng dần đến áp dụng cơ chế thị trường trong lĩnh vực điện là đúng, phù hợp với xu thế chung. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi ở đây là EVN vẫn là doanh nghiệp độc quyền, chưa có khung pháp luật cũng như tổ chức độc lập nào được thành lập để giám sát. Kinh nghiệm cho thấy, khi doanh nghiệp được trao nhiều quyền mà không có cơ chế giám sát sẽ rất dễ dẫn đến lạm quyền, thậm chí có thể xuất hiện lợi ích nhóm.
Bên cạnh đó, nếu thực hiện việc này, cần có cơ quan độc lập làm nhiệm vụ thẩm định, kiểm soát chi phí đầu vào; thẩm định việc tăng giá dựa trên những yếu tố nào, có hợp lý không để bảo đảm các quyết định tăng giá đều minh bạch, công khai, thuyết phục, hài hòa lợi ích các bên.
Trong xu thế chung, việc áp dụng giá điện theo cơ chế thị trường là điều cần hướng tới. Dù vậy, điều cần đặc biệt lưu ý ở đây là khi đã trao thêm quyền thì phải có hội đồng giám sát và có cơ chế hoạt động cho hội đồng này để bảo đảm đủ thẩm quyền tiếp cận mọi thông tin, hợp đồng giao dịch của EVN nhằm giám sát một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, cần tính tới vấn đề ổn định thị trường điện nói riêng và ổn định kinh tế vĩ mô nói chung chứ không thuần túy là giá tăng giảm theo cơ chế thị trường.