Niềm vui từ những bản làng
Thị trấn Quân Chu (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) là nơi sinh sống của hơn 2.200 hộ dân, trong đó số hộ là người DTTS (Dao, Sán Dìu) chiếm trên 35%. Những năm trước, khi chưa có công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, người dân nơi đây chủ yếu sử dụngnguồn nước tự nhiên chảy ra từ các sườn núi; một số ít hộ đào giếng hoặc khoan giếng nhưng chất lượng nước không bảo đảm. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp tỉnh Thái Nguyên, trên địa bàn thị trấn Quân Chu được đầu tư một số công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cung cấp nước sạch cho khoảng 600 hộ là người DTTS.
Nhìn những dòng nước trong vắt, lực chảy mạnh, người dân ở Quân Chu không giấu nổi niềm phấn khởi sau nhiều năm khát khao nguồn nước. Được biết, bên cạnh các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung ở thị trấn Quân Chu đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, huyện Đại Từ đang giao Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng huyện làm chủ đầu tư, xây dựng thêm một số công trình ở vùng đồng bào DTTS thuộc xã Tân Linh và Đức Lương, dự kiến cấp nước cho khoảng 460 hộ DTTS; ông Nguyễn Văn Khảm, Trưởng xóm 2, xã Tân Linh, cho biết, người dân trong xã đã tự nguyện hiến đất để đơn vị thi công xây dựng bể chứa, lắp đặt đường ống cung cấp nước. Bà con rất phấn khởi vì sắp được sử dụng nguồn nước sạch, thay thế cho nước giếng khoan hoặc giếng đào trước đây.
Không chỉ Đại Từ, ở huyện Đồng Hỷ đã và đang đầu tư, cải tạo 5 công trình nước sinh hoạt tập trung để giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho hàng trăm hộ dân vùng đồng bào DTTS. Cụ thể, huyện đã đầu tư nâng cấp công trình cấp nước sinh hoạt tập trung ở các xóm: Tân Sơn; Dạt; Liên Phương; Bãi Vàng; Viến Ván. Ngoài ra, huyện Đồng Hỷ còn hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 413 hộ người DTTS với kinh phí trên 1,2 tỷ đồng. Trưởng Phòng Dân tộc huyện Vũ Xuân Thái chia sẻ: quá trình thi công các công trình, người dân đều đồng tình ủng hộ hiến đất làm các hạng mục và mong chờ đến ngày hoàn thiện. Bên cạnh bảo đảm chất lượng, chúng tôi cũng quan tâm đến việc đưa công trình vào sử dụng sao cho hiệu quả nhất.
Còn gần 900 hộ dân tại huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên cũng đã được hỗ trợ téc nước để tích trữ nước sinh hoạt. Theo người dân ở tổ dân phố Bãi Á (thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hóa), trước đây khi chưa có téc nước, người dân thường sử dụng bể xi măng, chum, vại, xô, chậu… để tích trữ nước sinh hoạt. Do tích trữ lâu ngày ngoài trời, dụng cụ chứa nước thường có nắp đậy không kín hoặc không có nắp, lại không được vệ sinh thường xuyên nên các loại ấu trùng dễ dàng xuất hiện nên nước không bảo đảm vệ sinh. Từ ngày được hỗ trợ téc nước, người dân đã có thể yên tâm về chất lượng nước sinh hoạt hàng ngày bảo đảm sức khỏe và sinh hoạt.
Trên 96% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh
Hỗ trợ nước sinh hoạt cho người dân là một nội dung thuộc Dự án 1 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030. Thực hiện dự án, người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán hoặc đầu tư xây dựng công trình nước tập trung theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều công trình nước sạch được đầu tư xây mới và sửa chữa đưa vào sử dụng, cùng với đó người dân cũng được hỗ trợ mua sắm các téc nước, xây dựng bể chứa nước phục vụ sinh hoạt. Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 96% số hộ ở vùng DTTS và miền núi được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Phan Đức Cường, để đạt được kết quả này, tỉnh đã có nhiều giải pháp đưa nguồn nước hợp vệ sinh đến các địa bàn xa trung tâm, xã miền núi, vùng cao, có đông đồng bào DTTS sinh sống. Theo đó, đối với khu vực đã có hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung, tỉnh chủ trương nâng công suất và mở rộng tối đa mạng lưới cấp nước; cải tạo, sửa chữa công trình chưa có hệ thống xử lý nước nhằm bảo đảm chất lượng nước. Ngoài ra, tỉnh cũng đầu tư xây dựng mới hệ thống cấp nước sạch, bảo đảm công suất ổn định cho những khu vực chưa có công trình cấp nước; đồng thời, có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát huy hiệu quả công trình sau đầu tư. Riêng năm 2023, toàn tỉnh đã xây mới được trên 20 công trình cấp nước sinh hoạt tại các địa bàn miền núi, vùng cao; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 5.820 hộ.
Năm 2024, tỉnh Thái Nguyên dành trên 600 tỷ đồng từ các nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi.Hiện tại, một trong những vấn đề trọng tâm trong thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh là giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt. Tỉnh Thái Nguyên đã huy động vốn từ ngân sách, vốn vay tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội và các nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ đất ở cho 27 hộ nghèo, hỗ trợ nhà ở cho 153 hộ nghèo, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 962 hộ DTTS và dân tộc Kinh nghèo và hỗ trợ trên 1.000 hộ DTTS về nước sinh hoạt.
Những tháng đầu năm 2024, UBND các huyện trên địa bàn đã bố trí vốn cho các công trình nước sinh hoạt tập trung chuyển tiếp và khởi công mới. Theo kế hoạch, sẽ có 9 công trình được đầu tư, hỗ trợ nước sinh hoạt cho 1.260 hộ DTTS nghèo, hộ nghèo dân tộc Kinh. Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Phan Đức Cường chia sẻ, bên cạnh các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ DTTS thì việc đầu tư, hỗ trợ nước sinh hoạt tập trung, phân tán đã và đang giúp người dân tiếp cận với nguồn nước hợp vệ sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống.