Nhiều tín hiệu khởi sắc
Chương trình hành động số 16-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lai Châu về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đề ra mục tiêu: đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng du khách bình quân đạt 12% - 13%/năm; doanh thu từ khách du lịch đạt trên 600 tỷ đồng; toàn tỉnh có trên 110 cơ sở lưu trú với khoảng hơn 2.000 phòng và 5,5 nghìn lao động hoạt động trong lĩnh vực này. Từ năm 2016 đến nay, các cấp, các ngành tỉnh Lai Châu luôn quan tâm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII; các Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020 đề ra.
Kết quả giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cho thấy, giai đoạn 2016 - 2020, nguồn sự nghiệp ngân sách tỉnh phân bổ cho thực hiện phát triển du lịch chủ yếu chi đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật; hỗ trợ trang thiết bị; chi đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tuyên truyền, giới thiệu và quảng bá, xúc tiến; xây dựng kế hoạch, nghiên cứa phát triển du lịch; xây dựng, quản trị website, biên soạn, in ấn, phát hành các ấn phẩm quảng bá du lịch... Theo đó, hệ thống hạ tầng du lịch trên địa bàn tỉnh Lai Châu được nâng cấp đầy đủ và hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.
Đến hết năm 2020, toàn tỉnh Lai Châu có 128 cơ sở lưu trú với 2.099 buồng/phòng đạt tiêu chuẩn đón tiếp khách du lịch; 2 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế; 1 đơn vị kinh doanh lữ hành nội địa tại thị trấn Tam Đường và nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ tại các khu, điểm du lịch trên toàn tỉnh.Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế sẵn có, giai đoạn 2016 - 2020, Lai Châu đã có 7 sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; 3 sản phẩm du lịch sinh thái gắn với phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh và trên 20 sản phẩm nông nghiệp; 5 sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm, khám phá và chinh phục đỉnh cao; 4 sản phẩm chợ phiên vùng caobán các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, đồ lưu niệm, ẩm thực và sản vật địa phương phục vụ du khách qua các phiên chợ...
Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, ngành du lịch Lai Châu đã có nhiều khởi sắc. Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đón 1.487.220 lượt lượt khách; tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân 13%/năm; tổng doanh thu từ khách du lịch đạt trên 2.271 tỷ đồng. Đặc biệt, du lịch phát triển đã tạo ra việc làm ổn định, góp phần nâng cao thu nhập cho trên 5.000 lao động trên địa bàn, đóng góp vào mục tiêu giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống của người dân.
Đa dạng hóa sản phẩm du lịch
Mặc dù có nhiều khởi sắc, song Đoàn giám sát cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều khó khăn, hạn chế trong phát triển du lịch trên địa bàn. Cụ thể, cơ sở vật chất kỹ thuật và hạ tầng du lịch tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu, nhất là hạ tầng giao thông đến các điểm du lịch. Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch, dịch vụ chưa đa dạng, thiếu các sản phẩm quà tặng lưu niệm; thiếu sản phẩm OCOP gắn với các điểm, tour du lịch, tính liên kết trong phát triển du lịch còn hạn chế, nhất là liên kết xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại khu vực. Chưa kể, nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển: đội ngũ cán bộ quản lý và nhân viên trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch phần lớn chưa qua đào tạo chuyên ngành dịch vụ du lịch; đội ngũ lao động chuyên nghiệp còn thiếu, đặc biệt là hướng dẫn viên du lịch; các cơ sở lưu trú quy mô nhỏ chủ yếu sử dụng lao động theo thời vụ, chưa qua đào tạo.
Theo đánh giá của Đoàn giám sát, Lai Châu là tỉnh có xuất phát điểm về phát triển du lịch thấp; đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch đòi hỏi nguồn vốn lớn, trong khi nguồn hỗ trợ đầu tư hạ tầng du lịch của Trung ương còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển trong giai đoạn hiện nay. Các doanh nghiệp tham gia lĩnh vực du lịch trong tỉnh hầu hết là các doanh nghiệp nhỏ, năng lực cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh thấp, chưa đủ sức giữ vai trò chủ lực để tạo thành một hệ thống cung ứng dịch vụ hiện đại, chất lượng cao. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành trong tỉnh chủ yếu khai thác thị trường khách trong tỉnh đi du lịch trong nước và quốc tế; chưa chú trọng xây dựng các tour tuyến hấp dẫn để thu hút du khách đến với địa phương.
Từ thực tế trên, Đoàn giám sát kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện liên kết khai thác du lịch canh nông, văn hóa, sinh thái dựa vào cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới, gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tạo thành chuỗi giá trị kinh tế tuần hoàn đặc trưng để thu hút du khách. Bên cạnh đó, chỉ đạo các huyện, thành phố phát huy hiệu quả các làng nghề truyền thống trong việc sản xuất các mặt hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch.
Đoàn giám sát cũng đề nghị, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tiếp tục tham mưu UBND tỉnh mở các lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch cho cán bộ làm công tác du lịch và quản lý, nhân viên tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. UBND các huyện, thành phố chú trọng khai thác các loại hình du lịch mới, xây dựng và phát triển các sản phấm du lịch canh nông, sản xuất các mặt hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế. Động viên, khuyến khích các doanh nghiệp, hộ gia đình và người lao động tham gia các khóa đào tạo, xã hội hóa nguồn kinh phí đào tạo phục vụ công tác phát triển du lịch. Đặc biệt, quan tâm quy hoạch quỹ đất để xây dựng các điểm dừng chân, các khu vui chơi giải trí, công viên, khu dịch vụ.