Theo đại biểu Đỗ Văn Yên, khoản 2, Điều 2 của Dự thảo Luật quy định lưu trữ lịch sử là cơ quan thực hiện hoạt động nghiệp vụ lưu trữ đối với tài liệu lưu trữ có giá trị bảo quản vĩnh viễn được tiếp nhận từ cơ quan tổ chức có thẩm quyền nộp lưu và đối với các tài liệu nộp lưu trữ khác theo quy định của pháp luật. Trong khi khoản 1, Điều 19 Luật Lưu trữ hiện hành quy định lưu trữ lịch sử được tổ chức ở cơ quan Trung ương và cấp tỉnh để lưu trữ tài liệu có giá trị bảo quản vĩnh viễn thuộc danh mục tài liệu lưu trữ vào lịch sử tỉnh. Do đó, cơ quan soạn thảo cần rà soát, làm rõ lưu trữ lịch sử gồm những cấp nào và cơ quan nào có thẩm quyền thành lập, lưu trữ lịch sử khẩn cấp.
Về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ, đại biểu Đỗ Văn Yên đề nghị, làm rõ các loại tài liệu đã quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 7 thuộc UBND tỉnh và UBND xã quản lý, lưu trữ để thống nhất thực hiện trong thực tiễn.
Mặt khác, theo phân tích của đại biểu, thực tế UBND cấp huyện vẫn có kho lưu trữ được giao cho Phòng Nội vụ quản lý và chỉ đạo hoạt động lưu trữ. Tuy nhiên, quy định tại dự thảo Luật chỉ mới đề cập đến trách nhiệm quản lý tài liệu lưu trữ của UBND cấp tỉnh và cấp xã mà chưa có cấp huyện. Do đó, cần cân nhắc bổ sung thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu, tài liệu lưu trữ đối với UBND cấp huyện theo quy định.
Về tài liệu tiếp cận có điều kiện, đại biểu Đỗ Văn Yên đề nghị, Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể về tiêu chí xác định tài liệu tiếp cận có điều kiện và điều kiện được khai thác tài liệu lưu trữ, tiếp cận có điều kiện.
Về xác định giá trị tài liệu, đại biểu cho rằng, việc dự thảo Luật quy định người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quy định thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu của ngành lĩnh vực theo quy định sẽ tạo ra sự không thống nhất và dễ dẫn đến bất cập khi triển khai thực hiện. Vì vậy, cần cân nhắc vấn đề này theo hướng giao cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định cụ thể chi tiết.