Để cụ thể hóa các nội dung về quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của trường đại học trong khung khổ pháp lý được quy định, đồng thời thúc đẩy hoạt động tự chủ đại học tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) công lập giai đoạn 2014 - 2017. Năm 2018, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học được thông qua, và năm 2019, Nghị định số 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học được ban hành.
Đây là hành lang pháp lý thuận lợi cho các cơ sở GDĐH tăng cường tự chủ, sáng tạo, cạnh tranh và phát triển, đáp ứng yêu cầu thị trường và hội nhập quốc tế; đồng thời nâng cao hiệu quả tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở GDĐH.
Nhiều ý kiến nhận định, thực tế cho thấy việc thực hiện tự chủ tại các trường bước đầu đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, giúp giảm bớt thủ tục hành chính, tăng tính chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực hiện các hoạt động của nhà trường. Mô hình thí điểm tự chủ bước đầu được đánh giá tích cực, các trường đã có những thành tựu nhất định và được xã hội công nhận...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện tự chủ cũng còn nhiều khó khăn và vướng mắc về hệ thống cơ chế chính sách vẫn chưa đồng bộ; một số trường chưa nhận thức sâu sắc về tự chủ đại học, chưa gắn tự chủ đại học với quá trình đổi mới quản trị đại học; tiềm lực tài chính các trường đại học tự chủ của Việt Nam chưa đủ mạnh để phát triển bền vững; năng lực quản lý, điều hành của một số cán bộ quản lý còn hạn chế, tính chuyên nghiệp chưa cao...
Theo các đại biểu, mặc dù còn vướng mắc, nhưng tự chủ đại học cần được xác định là xu hướng tất yếu của nền giáo dục hiện đại, là phương thức tiên tiến nhằm cải tiến và nâng cao chất lượng GDĐH. Từ nhận định như vậy, thời gian tới, cần thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh tự chủ đại học, như rà soát, hoàn thiện thể chế chính sách để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về tự chủ; tăng cường điều kiện bảo đảm chất lượng, các hoạt động kiểm định chất lượng đối với cơ sở và chương trình đào tạo; đầu tư, hỗ trợ các cơ sở GDĐH triển khai thực hiện luật...