Bảo vệ người gửi tiền - yếu tố sống còn
Ngân hàng là loại hình kinh doanh tiền tệ đặc biệt, là phương tiện thu hút vốn, đầu tư vốn và kiến tạo cơ hội cho doanh nghiệp, cá nhân phát triển kinh doanh, tạo ra tăng trưởng kinh tế cho xã hội. Tuy nhiên, hoạt động ngân hàng bị chi phối mạnh bởi yếu tố trừu tượng, đó là niềm tin. Mặt khác, nguồn vốn hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam chủ yếu huy động từ dân cư, nếu thiếu vắng cơ chế bảo hiểm tiền gửi (BHTG), khi một TCTD gặp sự cố, người gửi tiền vào TCTD đó có thể phải gánh chịu hậu quả kinh tế, kèm theo nhiều vấn đề xã hội phức tạp.
Hơn nữa, trước một thế giới biến động, khó lường như hiện nay, người dân sẽ không dám đưa tiền nhàn rỗi vào dòng chảy kinh tế thông qua TCTD nếu không chắc rằng tiền được bảo vệ an toàn. Do đó, bảo vệ người gửi tiền, góp phần bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh hoạt động ngân hàng trước những rủi ro là xuất phát điểm hình thành và mục tiêu hoạt động của tổ chức BHTG. Bảo vệ người gửi tiền cũng chính là yếu tố sống còn bảo đảm cho sự tồn tại và phát triển bền vững TCTD.
BHTGVN đã từng bước lớn mạnh cùng hệ thống ngân hàng, bảo hiểm cho khoảng 99 triệu lượt người gửi tiền tại gần 1.300 TCTD. Với nguồn lực tài chính tăng trưởng nhanh và ổn định, từ 1.000 tỷ đồng ban đầu được cấp, đến 30.9.2023, tổng tài sản đạt mức hơn 106 nghìn tỷ đồng, quỹ dự phòng nghiệp vụ đạt hơn 99 nghìn tỷ đồng, BHTGVN có thể bảo đảm chi trả kịp thời cho người gửi tiền và sẵn sàng tham gia sâu hơn, hiệu quả hơn vào quá trình cơ cấu lại TCTD.
Luôn xác định người gửi tiền ở vị trí trung tâm, các hoạt động nghiệp vụ BHTG đều hướng tới bảo vệ ngày càng tốt hơn quyền lợi cho họ. TCTD hoạt động an toàn lành mạnh thì tiền gửi của người dân mới an toàn. Các nghiệp vụ BHTG như cấp chứng nhận tham gia BHTG; kiểm tra, giám sát, quản lý thu phí BHTG, tham gia kiểm soát đặc biệt TCTD... được BHTGVN triển khai đồng bộ trên cơ sở bám sát "vòng đời" của TCTD từ khi thành lập - hoạt động - rút khỏi thị trường.
Đặc biệt, BHTGVN còn tham gia kiểm tra chuyên sâu các Quỹ tín dụng Nhân dân (QTDND) để hỗ trợ chức năng thanh tra - giám sát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ đó góp phần lành mạnh hóa hoạt động của loại hình tín dụng hợp tác chủ yếu phân bổ ở khu vực nông thôn, gắn với kinh tế nông nghiệp, tiểu thương.
Trong Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, các mục tiêu cụ thể đều hướng về người gửi tiền. Đơn cử như phấn đấu tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ trên tổng số người gửi tiền được bảo hiểm đạt 92% - 95%, bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế; phấn đấu rút ngắn thời gian chi trả thực tế kể từ khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm đến năm 2025 là 30 ngày làm việc và đến năm 2030 là 15 ngày làm việc, nhằm giúp người gửi tiền được tiếp cận sớm với tiền gửi của mình khi tổ chức tham gia BHTG được xử lý; phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2025 có 45% và đến năm 2030 có 55% người gửi tiền nắm bắt được các nội dung cốt lõi của chính sách BHTG.
Vị thế ngày càng được khẳng định
Chiến lược phát triển BHTG được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối năm 2022, mở ra một thời kỳ mới cho hoạt động BHTG ở Việt Nam. Năm 2023 được xem là năm bản lề, "lát cắt" đáng ghi nhớ trong quá trình trưởng thành của BHTGVN với nỗ lực hành động triển khai Chiến lược.
Chiến lược phát triển BHTG đã khẳng định vị thế, vai trò của BHTGVN trong sự ổn định hệ thống tài chính, ngân hàng Việt Nam; thúc đẩy sự phát triển của kinh tế, xã hội đất nước. Chính sách BHTG kiên trì mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng. Do đó, BHTGVN sẽ từng bước đổi mới theo hướng đáp ứng các nguyên tắc trong "Bộ nguyên tắc Phát triển tổ chức BHTG hiệu quả" của Hiệp hội BHTG quốc tế, phù hợp với định hướng tổng thể Chiến lược ngành ngân hàng và thực tiễn tại Việt Nam.
Chủ tịch HĐQT BHTGVN Phạm Bảo Lâm cho biết, điểm đặc biệt của Chiến lược Phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là BHTGVN đặt ra các mục tiêu cụ thể, sát sườn, lượng hóa được các hoạt động nghiệp vụ BHTG để ngày càng bảo vệ một cách tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người gửi tiền.
Chủ tịch Phạm Bảo Lâm bày tỏ tin tưởng, mục tiêu, các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đặt ra trong Chiến lược phát triển BHTG sẽ có tác động tích cực, giúp BHTGVN phát huy thế mạnh, khắc phục những hạn chế, điểm nghẽn trong triển khai chính sách BHTG, bảo vệ tốt hơn nữa quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, củng cố niềm tin của công chúng vào hệ thống hệ thống tài chính - ngân hàng và đóng góp vào sự phát triển ổn định của nền kinh tế - xã hội.
Hiện tại, BHTGVN tập trung vào các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó có tham gia sửa đổi, bổ sung Luật BHTG, hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BHTG cũng như hoàn thiện quy định về chế độ tài chính cho tổ chức BHTG; định kỳ rà soát, đánh giá mức độ phù hợp và đề xuất điều chỉnh hạn mức trả tiền bảo hiểm phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như đề xuất thời điểm phù hợp tiến hành xây dựng; không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động nghiệp vụ.
Trong đó, thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào tất cả các hoạt động nghiệp vụ BHTG. Quan trọng không kém, BHTGVN sẽ nâng cao năng lực tài chính, tinh gọn và chuyên môn hóa bộ máy tổ chức; đồng bộ hóa trong quản trị điều hành; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.