Sơn La là tỉnh miền núi, với nhiều dân tộc anh em chung sống trong khi trình độ dân trí chưa cao, thêm vào đó địa hình miền núi rộng, chia cắt, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn nên việc tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục gặp rất nhiều khó khăn. Với sự gia tăng không ngừng của HIV/AIDS, những năm qua Sơn La đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS đến các tuyến cơ sở, cấp xã, cấp huyện, đặc biệt là các xã nghèo, các xã, bản đang còn là điểm nóng về ma túy trên địa bàn. Triển khai với nhiều chương trình hành động nhằm phòng, chống HIV/AIDS như thông tin, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi; can thiệp giảm tác hại; chăm sóc hỗ trợ người nhiễm; giám sát HIV, theo dõi, đánh giá chương trình; tiếp cận điều trị HIV/AIDS…
|
Trong chuyến thực tế, Đoàn đã được nghe tóm tắt tình hình dịch HIV/AIDS, việc triển khai công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Sơn La; thăm và tìm hiểu tình hình phòng, chống HIV/AIDS tại huyện Yên Châu và Sông Mã; gặp gỡ, chia sẻ và trao đổi trực tiếp với nhóm tiếp cận cộng đồng, câu lạc bộ người nhiễm HIV, các tuyên truyền viên và gia đình bị ảnh hưởng bởi người nhiễm HIV tại các địa phương.
Chuyến thực tế là cơ hội để các phóng viên, biên tập viên tìm hiểu thêm về tình hình dịch HIV/AIDS, công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Sơn La. Qua đó, có thể tìm hiểu các yếu tố nguy cơ và phản ánh về tình hình dịch HIV ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Đồng thời, tập trung phản ánh các mô hình tiếp cận hiệu quả, cụ thể là tiếp cận đối tượng truyền thông để tăng nhận thức của người dân, tiếp cận liên quan đến thay đổi hành vi tập trung chủ yếu vào 3 nhóm là nghiện chích ma túy, mại dâm và nam quan hệ tình dục; tiếp cận để cung cấp dịch vụ từ can thiệp giảm tác hại đến chăm sóc, điều trị như ARV, methadon… Mặt khác, phản ánh về công tác phòng, chống HIV/AIDS liên ngành, bao gồm sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức dân sự xã hội, huy động cộng đồng tham gia phòng, chống HIV/AIDS.