Từ một độc giả chăm chỉ…
Khi làm việc cho một cơ quan, tổ chức, chúng ta có nhu cầu tự nhiên là tìm hiểu xem các nước khác có cơ quan, tổ chức tương tự không, những vấn đề họ giải quyết là gì và giải quyết như thế nào. Là người làm việc cho cơ quan giúp việc Quốc hội nhiều năm, tôi thấy ngày càng nhiều đại biểu, chuyên gia dẫn chiếu đến kinh nghiệm quốc tế trong các phát biểu, bài viết của mình.
Cửa sổ đầu tiên giúp tôi “nhìn ra thế giới” ngay từ những ngày đầu làm việc cho Văn phòng Quốc hội chính là chuyên mục “Quốc tế” của báo Đại biểu Nhân dân. Ban đầu tôi đọc để trang bị cho mình thông tin về tình hình thời sự quốc tế hàng ngày. Từ những năm 2007 - 2008 khi tờ báo mới ra 7 số một tuần, tôi đã khá ấn tượng với dung lượng và chất lượng của chuyên mục Quốc tế. Khác với nhiều tờ báo khi đó, chuyên mục Quốc tế của tờ Người Đại biểu Nhân dân có những bài viết phân tích, đánh giá sâu và thời sự về các sự kiện quốc tế nổi bật. Sau đó, tôi lại đặc biệt quan tâm tới một trang giới thiệu về tổ chức và hoạt động của các nghị viện và cơ quan giúp việc nghị viện trên thế giới, được xuất bản định kỳ vào Chủ nhật hàng tuần.
Theo thời gian, tôi ngày càng quan tâm và bị cuốn hút vào những bài viết đa dạng về rất nhiều chủ đề khác nhau liên quan đến nghị viện các nước, từ tranh luận chính sách, kinh nghiệm xây dựng pháp luật, hoạt động giám sát, kiểm soát chính phủ của các nghị viện tới những nội dung như triết lý kiến trúc của các tòa nhà nghị viện, việc trưng bày các tác phẩm nghệ thuật trong khuôn viên nghị viện, các hoạt động giáo dục về nghị viện cho học sinh, công tác thông tin cho công chúng về hoạt động của nghị viện...
Suốt từ năm 2005 đến nay, mỗi tuần một chuyên trang đều đặn, tôi không tưởng tượng được tờ báo đã mang đến một khối lượng thông tin khổng lồ về hoạt động của nghị viện các nước cùng các chính sách mới trên thế giới. Với một người trẻ mới vào làm việc cho cơ quan lúc đó, đây là nguồn thông tin, tư liệu mà tôi cho là rất hữu ích cho công việc; đồng thời cũng không kém phần thú vị vì đó thường là những thông tin mới lạ, khác biệt, thúc đẩy tôi tự tìm hiểu thêm từ những nguồn thông tin khác về nội dung được nêu trong các bài viết.
Với tính chất công việc có cơ hội đi nhiều nơi, tới thăm nghị viện nhiều nước phục vụ các đoàn công tác của Quốc hội, tôi có điều kiện chiêm nghiệm được những gì mình đã đọc trên báo. Những kiến thức và thông tin có được từ việc tham khảo trên báo cũng giúp tôi tự tin hơn khi trao đổi công việc với đồng nghiệp nước chủ nhà. Tôi cảm nhận rõ sự hào hứng của các bạn khi giới thiệu về công việc của nghị viện hay là về tòa nhà nghị viện của mình nếu trong các cuộc trao đổi, ta cho bạn thấy sự quan tâm và ta có thông tin, hiểu biết về bạn. Đây cũng là lý do khiến tôi ngày càng quan tâm tới tờ báo và đặc biệt yêu thích chuyên trang “Nghị viện thế giới”.
… tới người viết nghiệp dư
Từ chỗ là một độc giả chăm chỉ của tờ báo, nhờ có sự khuyến khích của các anh chị em trong tòa soạn, tôi đã dần trở thành một cộng tác viên của chuyên trang Nghị viện các nước. Trong các dịp phục vụ lãnh đạo Quốc hội hoặc các đoàn công tác của Quốc hội đi nước ngoài, tham dự các sự kiện quốc tế, tôi đã dành thời gian, dù ít ỏi, để ghi lại những cảm nhận, những thông tin, kinh nghiệm mới của nước bạn, những câu chuyện thú vị trong các hoạt động hợp tác trao đổi kinh nghiệm giữa ta và bạn hoặc các câu chuyện bên lề các hội nghị quốc tế mà đoàn Việt Nam tham dự. Những bài ghi chép đó dần dần trở thành một phần của chuyên trang Nghị viện quốc tế mà tôi yêu thích.
Chẳng hạn, năm trước khi tham dự Hội nghị Các Tổng thư ký Nghị viện, tôi đã phần nào hiểu được nỗi vất vả cũng như khả năng bao quát của một Tổng Thư ký - người đứng đầu cơ quan hành chính, tham mưu, giúp việc cho Quốc hội. Tôi đã viết bài ghi chép “Nghĩ về Tổng Thư ký như một CEO” đăng trên báo Đại biểu Nhân dân. Hoặc khi Văn phòng Quốc hội chuẩn bị có chủ trương xây dựng Bảo tàng Quốc hội, tôi đã tham gia viết cho chuyên trang Nghị viện về Bảo tàng Quốc hội các nước - kể câu chuyện lịch sử bằng những hiện vật.
Phiên bản tiếng Anh ngày càng có nhiều độc giả quốc tế
Cách đây ít ngày, trong khuôn khổ Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 được tổ chức tại Hà Nội, tôi có dịp trò chuyện với Chủ tịch Quốc hội Tonga - một nghị sĩ trẻ. Tôi nói với ông về ý định viết một bài về cảm nhận của một số đại biểu quốc tế dự Hội nghị về công tác tổ chức Hội nghị cho tờ báo của Quốc hội Việt Nam. Ông tỏ ra rất quan tâm và hỏi tôi cho địa chỉ trang web của tờ báo. Tôi sử dụng điện thoại vào ngay trang web của tờ Đại biểu Nhân dân online.
Chủ tịch Quốc hội Tonga đã rất ngạc nhiên và vui mừng khi thấy hình ảnh của mình trong cuộc gặp với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ngay tại trang chủ. Ông cũng rất hào hứng khi đọc được nhiều dòng tít (headlines) về Hội nghị Nghị sĩ trẻ trên phiên bản tiếng Anh của tờ Đại biểu Nhân dân điện tử. Sau đó, ông vào xem các nội dung liên quan đến cuộc gặp của ông với Chủ tịch Quốc hội Việt Nam và nội dung về các phiên thảo luận của Hội nghị Nghị sĩ trẻ.
Trao đổi với tôi, ông nói trong những ngày ở Việt Nam, ông nhận thấy truyền thông của Quốc hội Việt Nam quá tốt, chưa kể các kênh báo đài khác, Quốc hội có riêng một kênh truyền hình và giờ ông biết thêm có một tờ báo là tiếng nói của Quốc hội, và tờ báo đó lại có cả phiên bản điện tử bằng tiếng Anh. Ông nói rằng, đây có thể là một gợi ý cho việc xây dựng chiến lược truyền thông của Quốc hội Tonga. Lúc đó tôi đã nghĩ, Báo Đại biểu Nhân dân đang và chắc chắn sẽ có thêm nhiều độc giả quốc tế.
Là người đọc trung thành và một người viết nghiệp dư cho tờ báo, tôi cũng như nhiều đồng nghiệp luôn cảm thấy vui mừng vì Báo Đại biểu Nhân dân ngày càng lớn mạnh, được lãnh đạo các cấp, nhất là Chủ tịch Quốc hội quan tâm, và ngày càng được nhiều độc giả đón nhận. Riêng với chuyên trang Nghị viện các nước, đây vẫn là “cửa sổ” giúp tôi nhìn ra một thế giới rộng lớn hơn.