Từ những biến động trên chính trường...
Ngày 24.12, Đảng Dân chủ đối lập đã tuyên bố sẽ luận tội Tổng thống lâm thời Han Duck-soo vì từ chối ban hành hai dự luật quan trọng, nhưng quyết định này bị trì hoãn đến cuối tuần. Ban đầu, Đảng Dân chủ đặt ra thời hạn vào đêm Giáng sinh để ông Han ban hành hai dự luật: một là nhằm điều tra việc Tổng thống Yoon (hiện bị đình chỉ) ban hành thiết quân luật ngày 3.12, và một để xem xét các cáo buộc tham nhũng liên quan đến phu nhân của ông, bà Kim Keon-hee. Việc hoãn thời hạn này làm nổi bật sự bất ổn chính trị ngày càng gia tăng trên khắp cả nước.
Trong khi đó, luật sư của Tổng thống Yoon, Seok Dong-hyeon, tuyên bố rằng, Tổng thống có thể sẽ không xuất hiện để thẩm vấn theo lịch trình. Trọng tâm của ông vẫn là các thủ tục luận tội của Tòa án Hiến pháp, với kế hoạch đưa ra tuyên bố chính thức sau các giai đoạn đầu của phiên tòa.
Bất ổn chính trị nói trên đã tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế đất nước kim chi. Chỉ số tâm lý người tiêu dùng theo tổng hợp của Ngân hàng Hàn Quốc trong tháng 12 đã giảm xuống còn 88,4, đánh dấu mức giảm 12,3 điểm so với tháng 11. Đây là mức tâm lý của người tiêu dùng yếu nhất kể từ năm 2022. Chỉ số dưới ngưỡng 100 có nghĩa là số người bi quan nhiều hơn số người lạc quan.
Theo Yonhap, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Choi Sang-mok đã đưa ra triển vọng kinh tế đáng lo ngại trong cuộc họp báo đầu tuần, ông cho rằng Hàn Quốc chắc chắn sẽ phải đối mặt với suy thoái kinh tế, mặc dù không ở mức khủng hoảng. Tăng trưởng kinh tế của năm tới có khả năng sẽ giảm xuống dưới mức tăng trưởng tiềm năng là 2%, một sự điều chỉnh đáng kể so với dự báo của Chính phủ vào tháng 7 là 2,2%. Ông Choi nêu bật những rủi ro đáng kể, bao gồm tâm lý người tiêu dùng suy yếu và hậu quả của sắc lệnh thiết quân luật của ông Yoon.
Giáo sư danh dự ngành kinh tế tại Đại học nữ sinh Sookmyung ở Seoul, ông Shin Se-don cũng đồng tình với những lo ngại này. “Hiện tại ở Hàn Quốc, yếu tố rủi ro lớn nhất là quá trình luận tội. Nếu Tổng thống Yoon bị kết luận là có tội, câu hỏi tiếp theo là Chính phủ nào sẽ nắm quyền”. Sự thay đổi trong giới lãnh đạo có thể làm đảo ngược các chính sách kinh tế, có khả năng thay đổi cách tiếp cận của Hàn Quốc đối với mối quan hệ với Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản.
Các nhà đầu tư nước ngoài cũng rất lo ngại về tình hình chính trị sẽ ra sao sau quá trình luận tội. Thị trường tài chính của Hàn Quốc không tránh khỏi sự biến động. Tuần trước, đồng tiền của quốc gia này đã chạm mức thấp nhất trong 15 năm, giao dịch quanh mức 1.450 won so với USD. Sự mất giá đã tạo ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp phụ thuộc vào nhập khẩu, đồng thời gia tăng áp lực cho các hộ gia đình vốn đã phải vật lộn với lạm phát.
Thị trường chứng khoán cũng cảm nhận được tác động của tuyên bố thiết quân luật bất ngờ và quá trình luận tội hiện tại. Chỉ số giá cổ phiếu tổng hợp Hàn Quốc (KOSPI) đã trải qua biến động. Mặc dù có một đợt tăng giá ngắn trong phiên giao dịch đầu ngày 24.12, chỉ số này đóng cửa ở mức 2.440,52, giảm 0,06% so với phiên trước. Điều này phản ánh lo ngại của các nhà đầu tư về kế hoạch luận tội của đảng Dân chủ và những bất ổn kinh tế nói chung.
Các tổ chức tài chính lớn đã bắt đầu xây dựng các kế hoạch quản lý khẩn cấp để ứng phó với tình trạng mất giá mạnh của đồng won. Các biện pháp đó nhằm mục đích ổn định tiền tệ và mang lại sự an tâm cho cả nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Trong khi đó, các nhà kinh tế nhấn mạnh tầm quan trọng của các cải cách cơ cấu để vượt qua những thách thức này. Ông Yang Jun-sok, giáo sư kinh tế tại Đại học Công giáo Hàn Quốc ở Seoul nhấn mạnh, đến nhu cầu về các giải pháp dài hạn giải quyết vấn đề nhân khẩu học, rào cản pháp lý và đổi mới sáng tạo. Yang lưu ý rằng: "Bất ổn chính trị làm tăng thêm một lớp phức tạp nữa, nhưng những thách thức kinh tế cơ bản của Hàn Quốc vẫn không thay đổi".
Tỷ lệ sinh thấp và dân số già của Hàn Quốc tiếp tục gây sức ép lên thị trường lao động và hệ thống phúc lợi xã hội của đất nước. Các rào cản pháp lý đã kìm hãm sự đổi mới sáng tạo và cản trở khả năng cạnh tranh của đất nước trong các ngành công nghiệp mới nổi như năng lượng tái tạo và công nghệ. Việc giải quyết những vấn đề trên là rất quan trọng để bảo đảm tăng trưởng bền vững.
... đến những áp lực quốc tế
Bên cạnh những thách thức trong nước, Hàn Quốc phải đối mặt với những thay đổi chính sách tiềm tàng dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump. Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump đã ủng hộ các chính sách thương mại bảo hộ và tăng thuế quan, làm dấy lên mối lo ngại về nền kinh tế xuất khẩu của Hàn Quốc.
Theo số liệu năm 2023, Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai của Hàn Quốc, chiếm gần 14% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này. Các ngành công nghiệp như ô tô, điện tử và thép có thể phải đối mặt với sự gián đoạn đáng kể nếu chính quyền của Tổng thống đắc cử Donald Trump áp đặt các rào cản thương mại chặt chẽ hơn. Ngoài ra, sự không chắc chắn xung quanh chính sách đối ngoại của Mỹ ở châu Á cũng làm gia tăng rủi ro địa chính trị, đặc biệt là liên quan đến Triều Tiên và các liên minh khu vực.
Ông Yang dự đoán, biến động tiền tệ có khả năng tiếp tục cho tới khi tình hình bất ổn chính trị được giải quyết, đồng thời dự đoán đồng won sẽ tiếp tục yếu trong quý II năm sau, khi các chính sách thương mại của ông Trump dự kiến sẽ trở nên rõ ràng hơn. Sự bất ổn này đã khiến một số nhà đầu tư nước ngoài rời khỏi Hàn Quốc, nhất là sau sự kiện thiết quân luật, làm đồng won suy yếu hơn nữa và làm trầm trọng thêm các thách thức kinh tế. Theo ông Yang, Hàn Quốc có thể duy trì mức tăng trưởng thấp trong một năm hoặc lâu hơn.
Bất chấp những thách thức hiện tại, theo nhiều nhà phân tích, Hàn Quốc vẫn có thể tăng cường khả năng phục hồi kinh tế bằng cách giải quyết bất ổn chính trị để khôi phục lòng tin nhà đầu tư, đa dạng hóa quan hệ thương mại, và đẩy mạnh đầu tư vào đổi mới trong các lĩnh vực như AI, công nghệ sinh học hay năng lượng tái tạo. Đồng thời, việc khuyến khích tỷ lệ sinh và tăng cường sự tham gia của phụ nữ cùng lao động lớn tuổi vào lực lượng lao động sẽ giúp giảm áp lực nhân khẩu học…