Sôi động, thu hút sự theo dõi của đông đảo cử tri
Ngoài tổng hợp, phân tích, chọn nhóm vấn đề chất vấn từ ý kiến, kiến nghị của cử tri, Thường trực HĐND các địa phương đã chỉ đạo phân loại nhiều kênh thông tin khác nhau tạo nên những nhóm vấn đề phong phú, đa dạng. Trong đó, có các nguồn từ: tập hợp phiếu chất vấn của đại biểu gửi đến trực tiếp; qua báo cáo của các ban, tổ đại biểu HĐND; những vấn đề nổi cộm, bức xúc được dư luận, đông đảo cử tri, nhân dân quan tâm, kể cả những nội dung đã chất vấn tại các kỳ họp trước nhưng chưa được giải quyết. Trên cơ sở đó, ưu tiên những nhóm vấn đề có nhiều ý kiến nhất để đưa vào chương trình chất vấn trực tiếp tại kỳ họp.
Trên cơ sở những nhóm vấn đề được lựa chọn kỹ lưỡng phù hợp với thời gian phiên họp, Thường trực HĐND cân nhắc, xác định người đứng đầu các ngành liên quan trực tiếp chuẩn bị trả lời chất vấn và yêu cầu một số ngành khác liên quan chuẩn bị tham gia trả lời tại phiên họp. Việc lựa chọn vấn đề chất vấn và người trả lời chất vấn được Thường trực HĐND thống nhất với lãnh đạo các Ban HĐND trước khi đưa ra HĐND quyết định tại kỳ họp.
Trên cơ sở các quy định tại Điều 8, 9, 10 của Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15, Thường trực HĐND chuẩn bị chu đáo chương trình, nội dung của phiên họp chất vấn, trả lời chất vấn. Chủ tọa phiên họp (chủ yếu Chủ tịch HĐND) đều hành linh hoạt, khoa học. Đại biểu HĐND chất vấn ngắn gọn, đúng trọng tâm nội dung vấn đề. Các Trưởng ngành đã trải qua gần nửa nhiệm kỳ điều hành công việc, có nhiều kinh nghiệm, trả lời thẳng vào vấn đề được hỏi. Những ý kiến trả lời không thỏa đáng đều được đại biểu HĐND đặt câu hỏi tiếp, nhiều đại biểu cùng xoay vào một vấn đề tạo không khí sôi nổi, hấp dẫn…
Có thể thấy, nhờ được chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung, cách thức tổ chức nên không khí nghị trường tại các phiên chất vấn và trả lời chất vấn rất sôi động, cuốn hút, nhận được sự quan tâm, theo dõi, giám sát của đông đảo cử tri, nhân dân. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một số địa phương ít chất vấn Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND và cũng có nơi chất vấn các ngành tư pháp chưa nhiều. Điều này phản ánh vẫn còn sự ngần ngại trong công tác lựa chọn nhóm vấn đề cũng như người được chất vấn. Bên cạnh đó, số lượng đại biểu HĐND còn cơ cấu nhiều ở các ngành chuyên môn và kỹ năng hoạt động của đại biểu cũng còn hạn chế.
Bảo đảm chất lượng nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn
Các phiên chất vấn, trả lời chất vấn chỉ mang lại hiệu quả thực sự khi những lời hứa, cam kết được thực thi nghiêm túc trên thực tế. Điều đó có phần phụ thuộc vào quyết nghị của phiên họp. Kỳ họp cuối năm vừa qua, bên cạnh ban hành kết luận của Chủ tọa phiên họp, nhiều nơi đã ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn với những yêu cầu cụ thể trách nhiệm ngành chức năng và thời gian thực hiện.
Để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của các phiên chất vấn và trả lời chất vấn, nên chăng trong phân công các ngành liên quan trả lời theo từng nhóm vấn đề có thêm nội dung: “các Phó Chủ tịch UBND phụ trách lĩnh vực chuẩn bị để có thể trả lời bổ sung”. Trước khi Chủ tọa phiên họp kết luận, Chủ tịch UBND phát biểu tiếp thu nên có thêm nội dung: “và trả lời chất vấn trực tiếp của đại biểu HĐND”. Có chương trình như vậy, đại biểu HĐND sẽ mạnh dạn chất vấn và lãnh đạo UBND có cơ hội trả lời trực tiếp tại phiên họp. Điều đáng quan tâm hơn nữa là khi lựa chọn vấn đề để đưa ra chất vấn, Thường trực HĐND nên chọn vấn đề bức xúc, gay cấn nhất để đưa vào chương trình sẽ ban hành Nghị quyết của phiên họp vào cuối kỳ họp. Đồng thời, Thường trực HĐND phân công các cơ quan của HĐND, tiến hành khẩn trương chuẩn bị các thủ tục cần thiết để ban hành nghị quyết có chất lượng và đúng quy định.
Hoạt động chất vấn tại kỳ họp là hình thức giám sát quan trọng, thiết thực nhất, tạo cơ hội để đại biểu HĐND thực hiện trách nhiệm, quyền hạn của mình theo quy định. Đồng thời, là điều kiện để các thành viên UBND và các ngành liên quan thể hiện năng lực, khả năng chỉ đạo, điều hành lĩnh vực mà mình phụ trách. Đây cũng là kênh để cử tri theo dõi, giám sát, đánh giá hoạt động của chính quyền địa phương.