Dậy từ 5h sáng để đi thi
Sáng 28.6, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 diễn ra với môn thi đầu tiên là Ngữ văn.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân trước cổng Điểm thi Trường THPT Cầu Giấy (Hà Nội), chị Ngọc Lan, phụ huynh thí sinh (trú tại quận Cầu Giấy) tâm sự cả đêm qua đã thức trắng vì hồi hộp, lo lắng cho con gái.
“Con đi thi mà mẹ cũng hồi hộp như đi thi theo, cả đêm không chợp mắt được lúc nào. Tôi nghĩ lo lắng là tâm trạng chung của các bậc phụ huynh. Vì 12 năm con học hành vất vả, là cha mẹ cũng muốn kết quả của con suôn sẻ từ đầu đến cuối. Không thể nói trước được điều gì, lỡ đâu khi vào phòng thi con gặp phải vấn đề gì xui xẻo, không may mắn thì sao”, chị Lan chia sẻ.
Theo người mẹ, trước khi kỳ thi diễn ra, mẹ con chị đã cùng nhau tới Văn miếu Quốc Tử Giám và Đền Ngọc Sơn (Hà Nội) để cầu may mắn. Buổi sáng trước khi bước vào môn thi đầu tiên, con gái chị Lan cũng nhờ mẹ mua “xôi đỗ” mong thêm may mắn khi vào thi.
“Thực ra con tôi cũng được tuyển thẳng vào 2 trường là Học viện Ngoại giao và Đại học Quốc gia Hà Nội rồi, nhưng con nói không muốn ỷ lại vào kết quả này mà sẽ cố gắng thi hết sức, nhỡ đâu có thêm sự lựa chọn khác. Đến đêm qua, con vẫn cố học bài tới hơn 11h đêm, mẹ nhắc cũng không chịu đi ngủ”, chị Lan kể.
Cùng đứng chờ con tại Điểm thi Trường THPT Cầu Giấy, chị Ánh Tuyết (quận Nam Từ Liêm) chia sẻ, nhà chị cách Điểm thi khoảng 10km. Sáng nay, hai mẹ con dậy từ 5h sáng, rời khỏi nhà lúc gần 6h, di chuyển 30 phút thì tới Điểm thi. Hai mẹ con cố gắng đi sớm để tránh tình trạng tắc đường do cơn mưa buổi sớm.
Chị Tuyết thủ thỉ, vì vội chuẩn bị đồ dùng, đồ ăn sáng cho con nên bản thân chị cũng chưa kịp ăn sáng. Tuy nhiên, chị không cảm thấy đói, có lẽ vì cảm giác lo lắng đã “lấn át”.
Năm nay, con trai chị dự định đăng ký xét tuyển vào ngành Thiết kế đồ hoạ, theo khối H (Văn, Năng khiếu vẽ Nghệ thuật 1 và Năng khiếu vẽ Nghệ thuật 2). Riêng môn Vẽ, em bắt đầu ôn tập khá muộn nên việc học giai đoạn “nước rút” rất vất vả.
“Có những ngày 6 rưỡi sáng con ra khỏi nhà đi học, hơn 9h tối mới về tới nhà, vừa học ở trường, vừa đi học thêm. Có hôm lại thức trắng cả đêm để học. Vợ chồng tôi khá lo lắng nhưng cũng chỉ biết động viên, cố gắng bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho con”, chị Tuyết nói.
Chị Nguyễn Thị Hồng (quận Cầu Giấy) thì tâm sự, vợ chồng chị khá bình tĩnh khi đồng hành cùng con trai trong kỳ thi này, bởi đã có “kinh nghiệm” từ đợt thi của người con lớn. Suốt quá trình con ôn tập, chị Hồng để con tự giác học, không thúc ép, cũng không tạo áp lực việc con “phải đỗ”.
Con trai chị Hồng yêu thích Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và xác định chỉ đặt nguyện vọng duy nhất vào trường này. Do đó, em phải nỗ lực rất nhiều bởi điểm chuẩn của trường các năm gần đây luôn trong tốp cao.
“Nhiều hôm con thức trắng đêm, đến chiều mới tranh thủ chợp mắt. Bởi vậy nên giờ giấc ăn uống của con cũng rất thất thường. Lo sức khoẻ con bị ảnh hưởng, tôi cố gắng nấu những món con thích, vì cháu hơi khó ăn uống, không phải là món “tủ” sẽ không chịu ăn”, người mẹ tâm sự.
Dù nhà chỉ cách điểm thi vài trăm mét, nhưng chị Hồng cho biết sẽ ở lại khu vực cổng Điểm thi để chờ đợi con thi xong từng môn, thay vì về nhà nghỉ ngơi. “Chờ ở đây để nhỡ đâu cháu có vấn đề gì cần hỗ trợ, ra ngoài sẽ thấy mẹ ngay”, chị nói.
Bố mẹ thắp hương cầu tổ tiên phù hộ cho con thi may mắn
Chia sẻ với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân tại điểm thi Trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa, phụ huynh Trịnh Thị Thu Hiền (Quận Thanh Xuân) chia sẻ, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, yếu tố tâm linh là điều cần thiết nên từ sáng sớm chị cùng con đã thắp hương, cầu mong tổ tiên phù hộ cho con hoàn thành kỳ thi suôn sẻ.
Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chị cũng tự tay đồ xôi cho con ăn trước khi đến điểm thi. Chị Hiền cho biết, thời tiết mùa hè nắng mưa thất thường, đồ ăn bên ngoài nhanh hỏng và dễ ôi thiu, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của con trong quá trình hoàn thành bài thi. Chị chọn đồ xôi đỗ để góp thêm may mắn giúp con vượt qua kỳ thi.
Chị Hiền nói thêm, trong những ngày thi con sẽ không được ăn thức ăn nhanh bên ngoài. Thay vào đó, bố mẹ tranh thủ về sớm để phân công nấu ăn vừa giúp không khí gia đình ấm cúng và cũng để trò chuyện với con.
Đồng thời, trong quá trình ôn thi, chị Hiền lên kế hoạch, phân chia thời gian bổ sung các thực phẩm như với vitamin mỗi ngày một viên, hoa quả, khoáng chất cần thiết để bồi bổ dinh dưỡng cho con.
Vị phụ huynh này bày tỏ, mặc dù tâm lý lo lắng, hồi hộp nhưng cũng phải tự chấn an bản thân để làm chỗ dựa tinh thần cho con. Hôm qua, khi đưa con đến học quy chế thi bố mẹ cũng đã phải làm công tác tư tưởng thoải mái cho con.
“Gia đình không áp lực con thi trường nào. Đại học có rất nhiều trường và sẽ phụ thuộc vào sở thích, đam mê, sự tìm hiểu của con về ngôi trường đó. Dù con có chọn trường nào, gia đình luôn tôn trọng và đồng hành cùng con.” chị Hiền động viên con.
Cùng có mặt tại điểm thi trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa, phụ huynh Đặng Văn Tiến (Quận Đống Đa) chia sẻ, giai đoạn ôn thi vất vả, gia đình luôn tạo điều kiện hết sức để con yên tâm thi cử.
Do bản thân gia đình không có điều kiện, nên việc học thêm của con bị hạn chế, chủ yếu con sẽ tự học trên mạng và từ các bạn bè, thầy cô. Về vấn đề kiến thức ôn luyện, con cũng có tự tin vào khả năng của bản thân với sở trường môn toán được đánh giá cao.
Nhưng áp lực về mặt thể chất, tinh thần là rất lớn khi con bị viêm xoang. Vào những hôm trở trời, nắng mưa thay đổi con sẽ bị sốt 39, 40 độ gây ra gián đoạn quá trình con học và ôn thi.
Bên cạnh đó, con cũng bị ảnh hưởng về dạ dày khó ăn uống bình thường như các bạn khác. Những ngày thi gần đây, con không dám ăn linh tinh nên bữa ăn của con chỉ gồm ít cơm và thịt nạc, nếu có thêm thực phẩm khác con dễ bị đi ngoài.
Trong thời gian thi, gia đình anh chị xin nghỉ làm để đưa con đến và luôn thay nhau túc trực ngoài cổng trường, nếu xảy ra vấn đề gì thì sẽ có giải pháp kịp thời để giúp con hoàn thành bài thi một cách tốt nhất.
Chị Phạm Thị Hà (Quận Hoàng Mai) thì chia sẻ, con trai có thế mạnh về môn toán nên đặt nguyện vọng xét tuyển học bạ vào trường Học viện Ngân hàng, tuy nhiên do ngoại ngữ (IELTS) của con yếu nên gia đình cũng khá lo lắng.
Theo Bộ GD-ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, toàn quốc có 63 Hội đồng thi, gồm 2.272 Điểm thi và 43.032 phòng thi. Trong tổng số 1.024.063 thí sinh đăng ký dự thi, có 1.012.398 thí sinh đến làm thủ tục dự thi, chiếm tỷ lệ 98,86%. Có 11.665 thí sinh chưa làm thủ tục dự thi, chiếm tỷ lệ 1,14% so với số đăng ký dự thi.
Kỳ thi được tổ chức từ ngày 27.6 - 30.6. Sau thời gian làm bài thi môn Ngữ văn trong sáng 28.6, đến chiều cùng ngày, thí sinh sẽ thi môn Toán. Sáng 29.6 là thời gian làm các bài thi Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Chiều 29.6, thí sinh thi môn Ngoại ngữ. Ngày 30.6 là lịch dự phòng.
Các Hội đồng thi tổ chức chấm thi từ ngày 1.7; công bố kết quả thi vào ngày 18.7; hoàn thành xét công nhận tốt nghiệp THPT chậm nhất ngày 20.7.