Khối báo chí Quốc hội được truyền lửa
Những dấu ấn khó quên Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam (6.1.1946 - 6.1.2006), Chi hội Nhà báo Báo Người Đại biểu Nhân dân (tiền thân của Liên chi hội Nhà báo Văn phòng Quốc hội) đã đề nghị Hội Nhà báo Việt Nam trao tặng "Kỷ niệm chương vì sự nghiệp báo chí Việt Nam" tới lãnh đạo Quốc hội Khóa X. Ngày 27.12.2005, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã ký quyết định tặng "Kỷ niệm chương vì sự nghiệp báo chí Việt Nam" cho 4 đồng chí: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phúc Thanh.
Chủ tịch Quốc hội Khóa X Nguyễn Văn An là người được nhận "Kỷ niệm chương vì sự nghiệp báo chí Việt Nam" đầu tiên (số 01). Vì theo Luật Thi đua Khen thưởng, từ năm 2006 "Kỷ niệm chương" thay thế cho "Huy chương" trước đây. Ngày 16.10.2009, Chủ tịch Quốc hội Khóa XII Nguyễn Phú Trọng ký duyệt măng sét Báo Đại biểu Nhân dân - báo loại I.
Những người làm báo trong khối báo chí Quốc hội nhớ mãi cái buổi thân thương, đầm ấm của dịp kỷ niệm 85 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21.6.1925 - 21.6.2010). Hôm đó, người đứng đầu cơ quan quyền lực Nhà nước tối cao, Chủ tịch Quốc hội Khóa XII Nguyễn Phú Trọng đến thăm và chúc mừng Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam với các nhà báo ở Văn phòng Quốc hội.
Ngày 19.6.2010, kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XII bế mạc. Đúng 9 giờ ngày 20.6.2010, Chủ tịch Quốc hội Khóa XII Nguyễn Phú Trọng đến thăm anh chị em làm công tác báo chí Quốc hội. Có lẽ, sau khi kết thúc công việc ở Đoàn Chủ tịch phiên bế mạc kỳ họp, điểm đến đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội chính là khối báo chí Quốc hội.
Khi thấy Chủ tịch Quốc hội bước vào hội trường, mọi người đứng dậy vỗ tay chào đón. Chủ tịch Quốc hội không bước lên bàn chủ tọa, mà đi thẳng xuống phía dưới hội trường, chỗ ngồi của anh chị em phóng viên trẻ đang làm việc ở Báo Đại biểu Nhân dân. Chủ tịch bắt tay, thăm hỏi thân thiện từng người. Giây phút đó dường như đã vơi đi một chút quy mô của không khí "Lễ kỷ niệm", nhường chỗ cho không gian chân thành và tình cảm.
Chủ tịch Quốc hội hiểu tường tận công việc hàng ngày của phóng viên, biên tập viên; chia sẻ với những khó khăn của từng tòa soạn. Chủ tịch thấu hiểu từng bài viết, trang báo, số báo đã xuất bản: "Chúng ta có nhiều bài theo sát các hoạt động của Quốc hội, tuyên truyền kịp thời các kỳ họp Quốc hội, các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban, các Đại biểu Quốc hội. Chúng ta tuyên truyền và quan hệ tốt với HĐND các cấp".
Chủ tịch Quốc hội trao đổi với những người làm báo phục vụ cơ quan dân cử: "Báo chí Quốc hội chúng ta rất trẻ. Đại biểu Nhân dân là tờ báo già nhất của Quốc hội. Chúng ta cũng rất trẻ và đang ngày càng có bước trưởng thành".
Nói chuyện với các nhà báo, Chủ tịch Quốc hội tâm sự: "Báo chí là người thầy, người bạn". Chủ tịch Quốc hội băn khoăn, trăn trở: "Báo chí Quốc hội ta thì giống và khác báo khác ở chỗ nào? Cái gì làm nên bản sắc của báo chí Quốc hội". Chủ tịch Quốc hội nhắc nhở: "Với tính chất của Quốc hội, yêu cầu đòi hỏi của Quốc hội thì báo chí chúng ta làm thế nào là phù hợp với chức năng báo chí của Quốc hội" và "Làm thế nào để tiếp tục nâng cao chất lượng đổi mới các hoạt động báo chí nói chung và đặc biệt là báo chí Quốc hội".
Tại buổi gặp gỡ thân tình ấy, Chủ tịch Quốc hội Khóa XII Nguyễn Phú Trọng đã truyền lửa cho những người làm báo Quốc hội:
Tâm sáng, trí cao, ngòi bút sắc
Thênh thang đường lớn, vượt lên nào

Nhiệm kỳ qua, các hội viên Liên chi hội Nhà báo Văn phòng Quốc hội tích cực tham gia và giành nhiều giải báo chí |
Ảnh: Q. Khánh
Hiến tặng nhiều tư liệu quý cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam
Các nhà báo nguyên là Tổng biên tập các thời kỳ đã sưu tầm tặng đủ 162 số tạp chí Người Đại biểu Nhân dân (tiền thân của Báo Đại biểu Nhân dân). Số đầu tiên xuất bản tháng 11.1988; số cuối cùng xuất bản tháng 12.2001. Với 5.094 trang, tạp chí Người Đại biểu Nhân dân đã thể hiện rõ bước đi ban đầu một cơ quan báo chí của Quốc hội.
Tuần báo đầu tiên của khối báo chí Quốc hội - báo Người Đại biểu Nhân dân, xuất bản 105 số. Số đầu tiên ra ngày 1.1.2002, số cuối cùng ra ngày 30.6.2003. Các nhà báo có mặt ở thời kỳ này đã sưu tầm tặng đủ cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Với 1.240 trang, tuần báo Người Đại biểu Nhân dân đã đánh dấu bước phát triển của khối báo chí Quốc hội: Trong cơ quan của Quốc hội đã có một tờ báo in.
Liên chi hội Nhà báo Văn phòng Quốc hội đã hiến tặng các tấm ảnh ghi lại những thời điểm các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến thăm và làm việc với tạp chí Người Đại biểu Nhân dân, báo Người Đại biểu Nhân dân, báo Đại biểu Nhân dân và Liên chi hội Nhà báo Văn phòng Quốc hội.
Theo Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam Trần Thị Kim Hoa, những tư liệu quý này sẽ góp phần khắc họa quá trình hình thành, xây dựng và phát triển của Khối báo chí Quốc hội. Khối báo chí Quốc hội đã từng bước được hoàn thiện để kết nối Quốc hội với người dân. Chưa bao giờ khối báo chí Quốc hội có quy mô lớn, có đội ngũ nhà báo hùng hậu như ngày nay, cùng với báo Đại biểu Nhân dân, còn có kênh Truyền hình Quốc hội, tạp chí Nghiên cứu lập pháp và một số cơ quan thông tin tuyên truyền khác.
Hướng tới Đại hội đại biểu Liên chi hội Nhà báo Văn phòng Quốc hội lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 - 2025 (diễn ra ngày 13 - 14.10), chúng ta nhớ lại lời của Chủ tịch Quốc hội Khóa XII: Quốc hội còn nhiều dư địa để đổi mới. Báo chí - người bạn thân thiết, kênh thông tin quan trọng của Quốc hội - cũng còn nhiều dư địa để đổi mới nhiều hơn. Nhưng đổi mới đó là gì? Các hội viên Hội Nhà báo Việt Nam tại Văn phòng Quốc hội cần suy nghĩ, chung tay với các đơn vị báo chí triển khai, thực hiện.