Theo một số nhà nghiên cứu, sự tham gia của công dân vào công việc của địa phương với các hình thức như bầu ra các cơ quan ra quyết định, tham khảo ý kiến, biểu quyết trưng cầu dân ý là một trong những đặc trưng của đơn vị hành chính lãnh thổ. Nguyên tắc này cũng được ghi nhận trong Hiến pháp những nước như Hiến pháp Cộng hòa Pháp: Các đơn vị hành chính lãnh thổ “hoạt động theo nguyên tắc tự quản thông qua các hội đồng dân cử”. Theo đó, có thể suy luận rằng tư cách đơn vị hành chính lãnh thổ gắn liền với quy trình bầu cử, bởi vì những cơ quan hành chính không đặt dưới sự quản lý, điều hành của một Hội đồng dân cử thì không có tư cách là đơn vị hành chính lãnh thổ. Chẳng hạn, cấp vùng ở Pháp mặc dù đã tồn tại lâu dài, nhưng đến năm 1982 mới được công nhận trong luật là đơn vị hành chính lãnh thổ, và chỉ được thừa nhận trên thực tế khi tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng vùng theo phương thức phổ thông đầu phiếu vào năm 1986.
![]() Hai cử tri cầm trên tay phiếu bầu Hội đồng Nhân dân Bắc Kinh trong cuộc bầu cử năm 2009 |
Nguồn: Tân Hoa Xã |
Tương tự như vậy, hầu hết các Hiến pháp của các nước trên thế giới cùng với quy định về quyền tự quản địa phương còn quy định về cơ quan đại diện. Sự ghi nhận cơ quan đại diện của nhân dân địa phương trong Hiến pháp có thể coi là thành tố đầu tiên bảo đảm cho nguyên tắc phân quyền. Để thực hiện tự quản ở địa phương, người dân nhất thiết phải được tham gia vào bộ máy của chính quyền địa phương, và một trong những phương thức tham gia truyền thống nhất và cơ bản nhất là bầu ra cơ quan đại diện. Từ phương diện phân quyền, sự hiện diện của hội đồng địa phương với những người đại biểu do cử tri địa phương bầu chính là điều kiện cốt yếu cho một chính quyền địa phương tự quản. Sự ghi nhận trong Hiến pháp về việc lập ra cơ quan đại diện cho nhân dân là cơ sở vững chắc cho việc quy định về phân cấp phân quyền, tự quản địa phương - một xu hướng phổ biến trên thế giới.
Hình thức kiểm tra, giám sát quan trọng của cử tri đối với các cơ quan chính quyền địa phương là thông qua bầu cử Hội đồng địa phương theo nhiệm kỳ. Hiến pháp của Thái Lan, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hungary 2011 quy định khá cụ thể về bầu cử đại biểu Hội đồng địa phương, ví dụ các nguyên tắc bầu cử phổ thông, bình đẳng, trực tiếp, miễn phí và bỏ phiếu kín. Ở những nước như Cộng hòa Liên bang Đức, Hàn Quốc, Liên bang Nga, cử tri còn bầu, bãi nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính địa phương (Tỉnh trưởng, Thị trưởng, Huyện trưởng, Xã trưởng...). Qua đó, nhân dân địa phương kiểm soát hữu hiệu và có quyền quyết định trong việc lựa chọn những người xứng đáng giữ các chức vụ quan trọng trong cơ quan chính quyền địa phương.
![]() Một cuộc họp của Hội đồng thành phố Edmonton, Canada |