Theo đó, có 15 ngân hàng được nới room tín dụng với hạn mức cấp thêm từ 1 - 4%. Cụ thể, hạn mức được cấp thêm cho Sacombank là 4%; HDBank là 3,4%; MB là 3,2%; OCB là 3,1%; VIB là 3%; Agribank là 3,5% và Vietcombank, Techcombank cùng là 2,7%. Một số ngân hàng khác cũng được nới room nhưng ở mức thấp hơn.
Room tín dụng chính thức được triển khai năm 2011, trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang trải qua giai đoạn lạm phát cao, xuất phát từ việc gia tăng cung tiền liên tục trong nhiều năm. Trước thời điểm Ngân hàng Nhà nước áp dụng việc xét room tín dụng, bình quân tăng trưởng tín dụng lên tới 30%, có năm tăng tới 53,8%. Mức tăng trưởng này vượt xa khả năng quản trị cũng như khả năng cân đối vốn của các ngân hàng thương mại, dẫn đến hệ lụy là mất khả năng thanh toán. Do đó, việc đặt ra quy định về room tín dụng nhằm mục tiêu kiểm soát từ sớm, từ xa việc tăng trưởng và chất lượng tín dụng trong hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc Ngân hàng Nhà nước nới room được coi là quyết định đúng đắn, kịp thời, góp phần quan trọng vào kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối cũng như hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế. Dù vậy, nhìn nhận ở góc độ rộng hơn và lộ trình dài lâu hơn, có ý kiến cho rằng cần thay thế room tín dụng bằng các công cụ quản lý linh hoạt hơn.
Lý do là cơ chế này không còn phù hợp vì thực tế, giới hạn room tức là giới hạn việc cho vay, mà lãi gộp nói chung của cả ngành ngân hàng phục thuộc vào lãi từ việc chênh lệch giữa lãi suất huy động vốn và lãi suất cho vay nên room tín dụng không khác nào công cụ giới hạn lãi gộp của ngành ngân hàng. Bên cạnh đó, việc quy định room tín dụng có thể sẽ tạo ra tiền lệ xấu đó là xin - cho, dẫn đến tiêu cực như đã từng xảy ra.
Ý kiến khác thì cho rằng, Ngân hàng Nhà nước có thể sử dụng công cụ gián tiếp là tỷ lệ dự trữ bắt buộc, bằng cách tăng tỷ lệ này lên 5%, thậm chí 10%. Khi tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc có nghĩa "nhốt" tiền ở tài khoản của các tổ chức tín dụng tại Ngân hàng Nhà nước, khiến các ngân hàng giảm đáng kể nguồn vốn để gia tăng tín dụng ra nền kinh tế, giảm hệ số nhân tiền. Ngoài ra, qua công cụ nghiệp vụ thị trường mở (OMO) mua bán giấy tờ có giá hàng ngày, Ngân hàng Nhà nước có thể đưa ra loại tín phiếu bắt buộc các ngân hàng thương mại phải mua theo kỳ hạn, có thể có mức lãi suất hỗ trợ để không bị lỗ lớn do huy động được vốn mà không được cho vay ra. Đây là công cụ vừa có tính thị trường, vừa hành chính nhưng cũng rất mạnh khi muốn “nhốt tiền” huy động của ngân hàng thương mại để không thể mở rộng tín dụng.
Việc nới room tín dụng cho một số ngân hàng vừa qua cho thấy quan điểm cởi mở, cầu thị và lắng nghe phản hồi từ thị trường của Ngân hàng Nhà nước, dựa trên những đánh giá toàn diện và thận trọng về lợi ích với cả nền kinh tế nhằm bảo đảm sự thông suốt của dòng vốn tín dụng - huyết mạch của nền kinh tế. Tuy nhiên, về lâu dài, việc có nên bỏ room tín dụng hay không nên được xem xét thận trọng, kỹ lưỡng nhằm hạn chế tình trạng điều hành “giật cục”, đồng thời giúp hệ thống ngân hàng phát huy tối đa vai trò bệ đỡ tài chính của nền kinh tế.