Bảo đảm lợi ích người dân khi giải phóng mặt bằng
Về kiến nghị nâng chế độ phụ cấp cho những người đảm nhiệm các chức danh ở xóm được nhiều cử tri đề xuất, ĐBQH Hồ Đức Phớc cho biết, nguồn chi trả phụ cấp cho đội ngũ cán bộ ở xóm là từ ngân sách tỉnh; tỉnh nào có điều kiện ngân sách thì chi trả cao, tỉnh nào khó khăn thì thấp. Hiện tại, Nghệ An vẫn là tỉnh nhận hỗ trợ ngân sách từ Trung ương. Khi nào ngân sách tỉnh thu được 25.000 - 30.000 tỷ đồng/năm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Khóa XVIII thì HĐND tỉnh mới có cơ sở để nâng chế độ cho đội ngũ cán bộ cấp xóm lên 2, 3 lần so với hiện nay. |
Tại các buổi TXCT trước Kỳ họp thứ 4, QH Khóa XIV, cử tri các địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã thẳng thắn phản ánh nhiều vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh tới Đoàn ĐBQH tỉnh. Bày tỏ sự phấn khởi khi thời gian qua, QH đã ban hành nhiều đạo luật, tuy nhiên theo các cử tri, một số đạo luật khi triển khai chưa mang lại hiệu quả cao. Cử tri kiến nghị, cùng với việc xây dựng luật, QH cần có các biện pháp hữu hiệu để các chính sách được thực thi đầy đủ, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của công dân.
Đề cập đến chủ trương mở rộng, nâng cấp Cảng Hàng không Vinh, cử tri Trần Văn Ninh (TP Vinh) đề nghị quá trình thực hiện cần căn cứ thực tiễn địa bàn để xây dựng quy hoạch, tránh điều chỉnh nhiều lần ảnh hưởng đến lợi ích của các hộ dân trong khu vực. Cũng trao đổi về vấn đề này, cử tri Lê Ngọc Nam (TP Vinh) bức xúc: Người dân một số xóm không được công bố chủ trương quy hoạch, không nắm được các thông tin, có thời gian các quyền sử dụng đất bị đình chỉ, gây khó khăn cho đời sống... Trao đổi với cử tri về nội dung này, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Trần Văn Mão cho biết, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đã có văn bản gửi Bộ GT - VT và tổng hợp ý kiến gửi UBND tỉnh đề nghị trả lời cho cử tri được rõ; đồng thời đại biểu sẽ tích cực trao đổi, phối hợp với các ban, ngành để giải quyết, trên tinh thần bảo đảm lợi ích, không để người dân bị thiệt.
Cử tri huyện Diễn Châu phát biểu ý kiến | Ảnh: Hải Phong |
Trăn trở về tình trạng nhiều nông dân bỏ ruộng, cử tri Nguyễn Kim Phượng (huyện Hưng Nguyên) cho rằng, thực trạng một số diện tích ruộng đất bị bỏ hoang trên địa bàn là vấn đề cần lưu tâm. “Bỏ hoang nhiều ruộng là có lỗi với Nhà nước, vì đã được hỗ trợ một số khoản như thủy lợi phí, giờ không canh tác rất lãng phí nguồn lực. Song, giá lúa thấp nên nông dân khó có thể bám trụ với ruộng đất, do đó Nhà nước cần có giải pháp hỗ trợ, quan tâm đưa các mô hình kinh tế vào thực tiễn để tạo điều kiện cho người dân nâng cao thu nhập”. Trả lời cử tri, Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên Ngô Phú Hàn cho biết: Huyện đang tích cực chỉ đạo các xã vận động người nông dân chăm chỉ canh tác. “Nhưng tôi khẳng định không có chuyện ruộng bỏ hoang mà vẫn được hỗ trợ thủy lợi phí hay bất kỳ khoản hỗ trợ nào khác. Phải có làm mới có hỗ trợ” - Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên khẳng định.
Liên quan đến vấn đề xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị cây chè được cử tri Võ Văn Vấn (Thanh Chương) đặt ra, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho rằng, để xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị cây chè cho Thanh Chương, cần cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển chè Nghệ An; đồng thời, thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực từ nước ngoài. Vấn đề này đang được tỉnh Nghệ An đẩy mạnh xúc tiến.
Xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội
Công tác phòng, chống tham nhũng là một trong những nội dung được nhiều cử tri nêu ý kiến trong các cuộc tiếp xúc. Cử tri Nguyễn Đặng Sen (huyện Thanh Chương) kiến nghị Đảng, Quốc hội, Chính phủ có biện pháp quyết liệt hơn, đặc biệt cần phát huy vai trò giám sát, tố giác của người dân; đồng thời phải có cơ chế bảo vệ người tố giác tham nhũng, tránh “mang vạ vào thân”. Cùng quan điểm này, cử tri Hoàng Thi (TP Vinh) cho rằng, Trung ương làm mạnh nhưng cấp dưới chưa quyết liệt trong phòng, chống tham nhũng. Do đó, đề nghị QH cần giám sát nghiêm việc thực thi Luật phòng, chống tham nhũng; công tác phòng, chống tham nhũng phải quyết liệt hơn nữa, các cấp cần vào cuộc một cách đồng bộ trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, thu hồi tài sản thất thoát.
Trên cơ sở thông tin về một số vụ án tham nhũng lớn được xử lý thời gian gần đây, ĐBQH Hồ Đức Phớc khẳng định: Quan điểm của Đảng và Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng là không có vùng cấm và xử lý nghiêm minh tương ứng với vi phạm, kể cả người đã về hưu. Công tác đấu tranh với tệ nạn tham nhũng được làm từ trên xuống, Trung ương làm trước để lan tỏa dần đến cấp tỉnh... ‘‘Tại Kỳ họp thứ 4, QH Khóa XIV lần này, QH sẽ thảo luận sửa đổi, bổ sung Luật Tố cáo và quá trình thảo luận, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An sẽ tham gia góp ý, đề xuất cơ chế bảo vệ người tố giác tham nhũng như ý kiến cử tri đề xuất,” ông Phớc khẳng định.
Tiếp thu và chia sẻ với những tâm tư của cử tri, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Đắc Vinh cho biết: Phòng, chống tham nhũng là chủ trương được Đảng và Nhà nước quan tâm. Hiện, Đảng và Nhà nước rất quyết tâm trong công tác này và xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, không kể đối tượng tham nhũng đang đương chức hay đã về hưu.