Trước đó, thực hiện kế hoạch công tác năm 2022, trong các ngày 18 - 20.7, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã chia làm 2 tổ khảo sát, làm việc với một số địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh Nghệ An về việc thực hiện chính sách, pháp luật và nghị quyết của Quốc hội trong các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin - truyền thông, tín ngưỡng - tôn giáo, thanh niên và trẻ em giai đoạn 2016 - 2021.
Đoàn giám sát đánh giá cao công tác chuẩn bị chu đáo, tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm của các đơn vị, địa phương; trao đổi thẳng thắn, trách nhiệm, cung cấp nhiều thông tin, số liệu thực tế.
Qua nghiên cứu các báo cáo và khảo sát, Đoàn giám sát nhận thấy: Nghệ An là vùng đất có truyền thống văn hóa cách mạng, nhiều danh nhân lịch sử, văn hóa; là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Con người Nghệ An lao động cần cù, sáng tạo và hiếu học. Văn hóa Nghệ An đậm nét đặc trưng khu vực Bắc Trung Bộ với hàng nghìn di tích, danh thắng và hàng trăm lễ hội truyền thống.
Những năm gần đây kinh tế Nghệ An phát triển khá nhanh, toàn diện, theo hướng bền vững. Các hoạt động giáo dục - đào tạo, văn hóa, thể thao, du lịch, công tác thanh niên, trẻ em, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được quan tâm và có bước phát triển vững chắc.
Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, cụ thể hóa, triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vể các lĩnh vực Ủy ban phụ trách; ban hành các chính sách đặc thù; có nhiều giải pháp đột phá, cách làm đổi mới, tiên phong, mô hình sáng tạo; góp phần tạo ra sự phát triển vững chắc về kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, với đặc thù là một tỉnh đất rộng, người đông, nhiều địa bàn miền núi cao, vùng dân tộc thiểu số, sự phát triển kinh tế - xã hội của Nghệ An vẫn còn nhiều khó khăn.
Trên cơ sở kết quả khảo sát và làm việc với các địa phương, đơn vị, Đoàn giám sát đề nghị tỉnh Nghệ An tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Quan tâm xây dựng chiến lược phát triển giáo dục, đào tạo của tỉnh và các chính sách, đề án cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Có chính sách đặc thù đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh…
Tiếp tục quán triệt, thực hiện hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch. Quan tâm bảo tồn, phát triển văn hóa tương xứng với vai trò, vị trí quan trọng của lĩnh vực này theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và các chủ trương, chính sách của Đảng. Xây dựng kế hoạch phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của tỉnh theo hướng lựa chọn một số lĩnh vực ưu tiên như du lịch văn hóa, ẩm thực…
Gắn việc bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa phi vật thể với hoạt động giáo dục truyền thống, phát triển du lịch, kinh tế - xã hội của địa phương… Từng bước cơ cấu lại các sản phẩm du lịch theo hướng phát triển có trọng tâm, trọng điểm và nâng cao chất lượng trên cơ sở xây dựng sản phẩm đặc thù; phát huy giá trị Di sản thế giới dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh để tạo ra các sản phẩm chủ đạo mang thương hiệu du lịch Nghệ An...
Huy động mọi nguồn lực đầu tư cho giáo dục
Báo cáo của UBND tỉnh khẳng định, tỉnh thường xuyên tổ chức rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp hợp lý, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Đã trình HĐND tỉnh điều chỉnh, bổ sung một số nội dung trong Nghị quyết Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Nghệ An giai đoạn 2012 - 2020; rà soát, quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 trong hợp phần Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tỉnh cũng huy động mọi nguồn lực đầu tư cho giáo dục, trong đó quan tâm đầu tư bảo đảm cơ sở vật chất theo hướng kiên cố hóa, đồng bộ, từng bước hiện đại; đặc biệt bảo đảm năm học mới và chuẩn bị thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các địa phương đã quan tâm đầu tư bổ sung, cải tạo, nâng cấp các công trình chủ yếu từ nguồn lực địa phương và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Giai đoạn 2016 - 2020, các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh huy động được trên 1.157 tỷ đồng từ ủng hộ của phụ huynh học sinh và các doanh nghiệp, nhà hảo tâm. Tranh thủ các nguồn lực lồng ghép từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; trong giai đoạn này, đã xây dựng thêm được 289 trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia, với kinh phí 894,376 tỷ đồng.
Tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên; trong đó tập trung ưu tiên cho học sinh, sinh viên vùng đồng bào dân tộc thiểu, thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách, người khuyết tật, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, lao động bị thu hồi đất sản xuất, người chấp hành xong hình phạt tù, cai nghiện ma túy...
Đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị di tích
Hàng năm, tỉnh tiến hành khảo sát, lập danh mục và tiến hành lập hồ sơ xếp hạng di tích theo kế hoạch. Đến nay đã có 471 di tích, danh thắng được xếp hạng, trong đó có 5 di tích Quốc gia đặc biệt, 144 di tích Quốc gia và 322 di tích cấp tỉnh.
Hàng chục dự án lớn đã được triển khai để bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích, với tổng kinh phí đầu tư hàng trăm tỷ đồng, như: Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên, Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, Khu di tích lịch sử Truông Bồn, Khu lưu niệm Phan Bội Châu, Khu Di tích Phùng Chí Kiên, di tích Hồ Tùng Mậu, Đình Lương Sơn, Đền Vua Lê, Đền Quả Sơn...
Các di tích được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh đều được thực hiện khoanh vùng, cắm mốc bảo vệ. UBND tỉnh phân cấp và quy định cụ thể vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc quản lý di tích, danh thắng.
Nhiều điểm di tích đã được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch địa phương như: Khu di tích Kim Liên, Khu di tích Truông Bồn; Khu lưu niệm Phan Bội Châu; đền thờ Hoàng đế Quang Trung và di tích Phượng Hoàng Trung Đô; chùa Đại Tuệ; đền Ông Hoàng Mười... Việc công nhận các điểm du lịch địa phương đã góp phần quảng bá, phát huy giá trị các điểm di tích, phối hợp với các đơn vị du lịch lữ hành, thu hút hơn khách thăm viếng, tham quan.
Thúc đẩy du lịch phát triển bền vững
Ngày 4.1.2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành chương trình hành động số 55-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2017 - 2030.
Nhiều khu, điểm du lịch được phê duyệt quy hoạch chi tiết và xúc tiến kêu gọi đầu tư triển khai thực hiện: Tổ hợp vui chơi giải và cáp treo Vinpearl Cửa Hội giai đoạn II (Cửa Lò); Khu du lịch sinh thái tâm linh Rú Gám và Khu Văn hóa Du lịch hai bên bờ sông Dinh (Yên Thành); Khu du lịch sinh thái Mường Thanh - Diễn Lâm, Khu du lịch biển Diễn Thành; Khu du lịch biển Quỳnh, Khu Di tích Núi Chung; Khu du lịch sinh thái Phà Lài - sông Giăng...
Một số khu, điểm du lịch khác cũng đang tiến hành các bước lập quy hoạch như: Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái và vui chơi giải trí tại xã Nghi Tiến (Nghi Lộc), Quần thể Văn hóa - tâm linh đền Cuông (Diễn Châu)... Chất lượng quy hoạch đã có bước chuyển biến tiến bộ và thường xuyên được điều chỉnh cho sát với yêu cầu thực tiễn. Nghệ An đang tổ chức lập Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Nghệ An, “hầu hết các dự án đầu tư về du lịch đều tuân thủ quy hoạch được phê duyệt, thực hiện tốt công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường và cảnh quan thiên nhiên, góp phần thu hút đầu tư thúc đẩy du lịch phát triển theo hướng bền vững”.