Khi được hỏi ấn tượng đầu tiên về Trịnh Công Sơn, nhà văn Bửu Ý nhớ lại: “Lúc đó, một nhóm bạn chúng tôi đang đàn hát nói chuyện rôm rả thì có một thiếu niên, quần cụt áo thun, từ xa đi lại. Có một bức tường gạch khá cao ngăn cách chúng tôi. Người thiếu niên ấy lấy đà bay qua bức tường rồi nói: Vui thế, cho mình tham gia với. Người ấy chính là Trịnh Công Sơn”.
Trái với ấn tượng của chúng ta về một Trịnh Công Sơn thâm trầm, ít nói ở giai đoạn sau này, đã từng có một Trịnh thật khỏe khoắn, hoạt bát thời còn trẻ. Và ở cả hai thời kỳ ấy, Trịnh Công Sơn luôn thích bạn bè. Đừng bao giờ đánh đồng sự cô đơn của Trịnh với sự cô độc. Tôi chưa thấy ai có nhiều bạn hơn Trịnh, nhưng đồng thời cũng chưa thấy ai cô đơn hơn ông. Ông vừa sống giữa thế giới bạn bè, vừa sống trong thế giới của riêng mình.
Cũng với câu hỏi như trên, chú Dương Đình Vinh - một nhà sưu tập đồ cổ ở Huế - nhớ lại: “Anh Sơn rất nịnh đầm, và lịch thiệp. Gặp cô nào đẹp anh đều… hôn liền (đính chính: “hôn” ở đây là hành động chào nhau bằng má kiểu Tây phương). Ngày ấy, tôi hay tháp tùng anh Sơn đến những buổi triển lãm nghệ thuật. Anh Sơn nói chuyện rất hay và còn đẹp trai nữa, và cô gái nào cũng muốn được trò chuyện riêng với anh”. Một Trịnh Công Sơn có nét lãng tử của James Dean! "Rebel Without a Cause" (Nổi loạn vô cớ) là một trong những bộ phim mà Trịnh yêu thích nhất.
Gia đình vẫn còn giữ một bức ảnh Trịnh Công Sơn ở trần, khoe cơ bắp cuồn cuộn. Ông vốn yêu thích võ thuật và các môn vận động mạnh như điền kinh, tập tạ. Một lần đấu nhu đạo với người em Trịnh Quang Hà, Trịnh Công Sơn chấn thương cột sống rất nặng, phải nằm liệt giường hơn một năm. Năm ấy, Trịnh mới 18 tuổi.
Nếu phải chọn một cột mốc làm thay đổi cuộc đời của Trịnh Công Sơn, ta sẽ có một màn tranh luận thú vị. Vì Trịnh trước và sau buổi diễn ở quán Văn, trước và sau khi gặp Khánh Ly, trước và sau 1975, trước và sau khi mẹ mất… đều là hai con người khác nhau. Phim “Em và Trịnh” (sắp ra rạp vào tháng 6 tới) đều khai thác những cột mốc này. Ở đó, theo ngôn ngữ kịch bản, nhân vật không còn quay đầu được nữa. Rừng xưa đã khép!
Còn cột mốc nào nữa không? Còn. Đó là trước và sau đám cưới bất thành với Michiko, một “nàng thơ” của Trịnh trong phim “Em và Trịnh”. Ngày ấy, nghe tin anh trai đám cưới, các em gái của Trịnh đang ở nước ngoài tức tốc bay về, xúng xính xiêm áo. Người anh cả sau mấy chục năm lo toan cho gia đình, quyền huynh thế phụ, rốt cục đã định cuộc trăm năm. Nhưng đám cưới ấy đã không diễn ra. Nếu nước Mỹ có “Cô dâu chạy trốn” thì ở Việt Nam, chúng ta có “chú rể chạy trốn”. Cuộc hôn nhân bất thành ấy một lần nữa tái khẳng định sự lo âu thường trực của Trịnh là đúng: ông không muốn, hoặc chính xác hơn, không thể hòa nhập đời mình với một người phụ nữ khác. Tình yêu trong ông là một định mệnh dở dang, để chúng kết tinh thành âm nhạc. Người tình trong ông sinh ra để khắc khoải, “Em theo đời cơm áo. Mai ra cùng phố xôn xao”, ngồi buồn thương “chiều nay còn mưa, sao em không lại”.
Mỗi người xem phim sẽ chọn cho mình một cột mốc riêng. Trở lại với cột mốc năm 18 tuổi. Theo lời chú Trịnh Quang Hà, trước năm 18 tuổi, cây đàn để bụi bặm trong nhà nhưng Trịnh không bao giờ cầm tới. Nhưng một năm liệt giường, suy nghĩ về cái chết, đọc hết những cuốn sách mà mình có thể vớ tới, Trịnh nghĩ nhiều về vô thường, về hiện sinh và đột nhiên thấy có nhạc chảy trong người. Và sau đó, khi trở lại ít lâu, Trịnh viết “Ướt mi”, chính là ca khúc đã mở đầu trong trailer phim với hình ảnh lẫn giọng ca liêu trai của Thanh Thúy.

Nguồn: ITN
Điều lạ trong suốt đời mình: Trịnh gần như không nhắc tới biến cố năm 18 tuổi. Ông thậm chí không nhắc về cái chết của cha, cái chết đã đẩy gia đình ông vào một cơn gia biến, khiến ông khi còn rất nhỏ đã phải gánh vác trọng trách nuôi dạy đàn em. Có lẽ với Trịnh, tất cả những sự kiện đến với ông trong đời là định mệnh không thể tránh khỏi. Đã không thể tránh khỏi thì không cần phải nhắc. Như những con sóng đập vào đời ông, rồi cuốn đi, vốn không thể khác dẫu thỉnh thoảng ông cũng muốn năn nỉ: “Biển sóng biển sóng đừng xô tôi. Đừng xô tôi ngã dưới chân người”.
Trong mắt các em, Trịnh hiện lên như một người cha nghiêm khắc. Ông chẳng mấy khi la hét, nhưng khi buồn bực vượt quá giới hạn sẽ biên một lá thư. Các em chỉ cần thấy lá thư đầu giường thì lập tức run rẩy, biết ngay là “tới công chuyện”. Trong mắt giới mộ điệu, Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ vĩ đại đã dệt nên những vần thơ trong âm nhạc. Trong mắt kẻ thù, ông là một người không có lập trường chính trị. Trong mắt bạn bè, ông là một người bạn hiền lành và chân thành, dẫu sự hiền lành và chân thành này được mô tả bởi hàng trăm, hàng ngàn lăng kính khác nhau. Càng đi tìm hiểu về Trịnh, càng thấy ít ai hiểu ông. Mỗi người chỉ có thể giữ riêng cho mình “một mảnh” Trịnh Công Sơn. Còn trong mắt những người tình, ông là người quá ư nhạy cảm và lãng mạn, dẫu sự lãng mạn ấy cũng muôn hình vạn trạng. Trịnh trong Dao Ánh khác, trong Diễm khác, trong Khánh Ly khác và trong Hồng Nhung sau này cũng khác...
Sẽ có hai bản phim “Em và Trịnh”, một của thời thanh xuân và một dài hơn của thời trung niên, một phiên bản Trịnh Công Sơn sau bao nhiêu biến cố đời người và một của tuổi trẻ sống động nơi ông vẫn còn mang những hồn nhiên của một thanh niên thấy mình mắc kẹt giữa những sự lựa chọn. Còn thực sự có bao nhiêu Trịnh Công Sơn, tôi không dám lạm bàn. Điều khó nhất khi làm bộ phim này, tôi và đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã xác định rất rõ ngay từ đầu, đó là: ai cũng có một Trịnh Công Sơn của riêng mình!