Một trong những quan điểm chỉ đạo và mục tiêu quan trọng trong Nghị quyết là chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Thực tế thời gian qua, việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã có bước phát triển vượt bậc. Nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về thu hút, quản lý đầu tư nước ngoài, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, từng bước tiếp cận với thông lệ quốc tế đã được ban hành. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát triển nhanh và có hiệu quả, trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Từ những tiền đề quan trọng đó, hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng sôi động, hiệu quả hơn. Ví dụ như trong năm 2023, lượng vốn FDI đăng ký đạt mức kỷ lục 36,6 tỷ USD, trong đó có nhiều dự án chất lượng cao về sản xuất điện thoại, linh kiện điện tử, sản xuất chip…, số vốn đã giải ngân đạt hơn 23 tỷ USD. Nhiều tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn với công nghệ hiện đại đã lựa chọn nước ta là điểm đến. Quy mô vốn và chất lượng dự án ngày càng tăng, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động. Đồng thời nâng cao trình độ, năng lực sản xuất; tăng thu ngân sách nhà nước, ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.
Tuy nhiên cũng phải thẳng thắn rằng, số lượng dự án quy mô nhỏ, công nghệ thấp, thâm dụng lao động còn lớn, tỷ lệ vốn thực hiện trên vốn đăng ký còn thấp. Tính liên kết, tương tác với các khu vực khác của nền kinh tế thiếu chặt chẽ, hiệu ứng lan tỏa năng suất, công nghệ chưa cao. Tỷ lệ nội địa hóa thấp; còn có hiện tượng chuyển giá, vi phạm chính sách, pháp luật về lao động, tiền lương, thuế, bảo hiểm xã hội, môi trường...
Còn không ít dự án đầu tư để lại hệ lụy trong phát triển của giai đoạn tới. Điều này thể hiện qua việc nhiều dự án tận thu tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường. Còn có tình trạng dự án không phù hợp với quy hoạch phát triển dài hạn, gây mất cân đối về cơ cấu trong quá trình phát triển chung. Thậm chí, có những dự án đã đầu tư vài chục năm nhưng liên tục báo lỗ, không nộp thuế cho ngân sách nhà nước.
Vậy nên, đã đến lúc cần chuyển từ lượng sang chất trong thu hút FDI để có được những dự án có hiệu ứng lan tỏa, có tác động tốt, phù hợp với chiến lược phát triển của nước ta vì như ý kiến của một chuyên gia thì với tư cách là một đối tác bình đẳng chúng ta có quyền lựa chọn, có quyền căn cứ vào định hướng phát triển để lựa chọn những dự án đầu tư có hiệu quả cao nhất. Chúng ta cũng đã qua thời kỳ "đói khát" về vốn đầu tư và dựa vào khai thác theo chiều rộng để tranh thủ đầu tư nước ngoài nên phải hướng tới các dự án chất lượng cao, công nghệ tốt, tạo sự lan tỏa phát triển mạnh hơn.
Để làm được điều này, cần thiết phải có sự chuẩn bị kỹ càng về nhân lực, kết cấu hạ tầng và đặc biệt là thể chế. Ngoài ra phải "nâng cấp" doanh nghiệp trong nước vì sự kết nối giữa các doanh nghiệp này thời gian qua còn yếu do khả năng hấp thụ công nghệ, trình độ quản trị còn thấp hoặc không đáp ứng được yêu cầu.
Thu hút FDI là chủ trương hoàn toàn đúng nhằm tranh thủ vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý và thị trường xuất khẩu phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước nhưng chắc chắn không phải bằng mọi giá. Bởi vậy, điều quan trọng là phải tạo thế chủ động, bình đẳng, có lựa chọn.