Tạo hành lang pháp lý giúp doanh nghiệp thuận lợi chuyển đổi xanh
Phó Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng (Ban IV) Bùi Thanh Minh cho biết, với tư cách là đơn vị đồng hành cùng doanh nghiệp, năm 2022, Ban IV đã tiến hành khảo sát hơn 400 doanh nghiệp. Theo kết quả khảo sát, hiểu biết của doanh nghiệp về chuyển đổi xanh còn thấp, chỉ có 20% doanh nghiệp nắm được thông tin.
Đến tháng 12.2023, Ban IV tiến hành khảo sát lại 2.730 doanh nghiệp liên quan đến vấn đề phát triển bền vững thì chỉ có khoảng 64% doanh nghiệp Việt Nam dù nhận thức được vấn đề nhưng chưa có sự chuẩn bị gì.
Về vấn đề chuyển đổi xanh, đại diện Ban IV chia doanh nghiệp thành các nhóm: Nhóm không có thông tin, nhóm có thông tin về kiểm kê khí nhà kính nhưng vẫn trong tình trạng chờ đợi và nhóm có thông tin nhưng thông tin sai. Một nhóm nữa là những doanh nghiệp có thông tin, nguồn lực nhưng lại sợ, không dám thực hiện. Họ không chắc chắn về quyền sở hữu nên không đầu tư, TS Bùi Thanh Minh thông tin.
Thực tế cho thấy, ngày càng nhiều doanh nghiệp quan tâm tới chuyển dịch xanh bằng những hành động cụ thể. Tuy nhiên, không tránh khỏi một số thách thức đan xen. Thách thức không chỉ đến từ nội tại, nguồn vốn, kiến thức và hệ thống doanh nghiệp; mà còn đến từ hệ thống chính sách chưa đầy đủ, rõ ràng để doanh nghiệp yên tâm thực hiện.
Phó Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân Bùi Thanh Minh nhấn mạnh, để hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 của Việt Nam, cần sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp.
"Tuy các cơ quan nhà nước đã tích cực hỗ trợ, nhưng cần tạo hệ thống hành lang pháp lý rõ ràng hơn nữa để doanh nghiệp yên tâm thực hiện chuyển đổi xanh. Đây không còn là yếu tố tự nguyện, khuyến khích mà là yếu tố bắt buộc", ông Minh nói.
Chưa đủ cơ sở kết luận giá thành tín chỉ carbon đắt hay rẻ
Mới đây, thông tin Việt Nam nhận được 51,5 triệu USD từ Quỹ Đối tác carbon lâm nghiệp (FCPF) của Ngân hàng Thế giới cho 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng, với giá trung bình 5 USD/tín chỉ carbon được cho là quá thấp.
Trước ý kiến này, Phó Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng (Ban IV) Bùi Thanh Minh nhận định, câu chuyện giá thành đắt hay rẻ rất khó để nói chính xác. Nếu giá tín chỉ carbon quá cao sẽ thu hút doanh nghiệp, nhưng ảnh hưởng đến việc sản xuất. Ngược lại, nếu giá quá thấp sẽ không thúc đẩy được doanh nghiệp tham gia vào việc cải tiến kỹ thuật, trồng rừng tạo tín chỉ carbon.
"Nhiều ý kiến cho rằng giá tín chỉ carbon sẽ tăng. Theo tôi, điều này chưa chắc chắn. Bởi nếu quá tập trung đến môi trường, các doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế. Mà với doanh nghiệp, lợi ích kinh tế luôn được đặt lên hàng đầu", ông Minh nhìn nhận.
Cũng theo TS Bùi Thanh Minh, việc giá tín chí carbon đắt hay rẻ còn phụ thuộc vào chất lượng tín chỉ. TS Bùi Thanh Minh lấy ví dụ về hai loại thị trường carbon: thị trường tự nguyện và thị trường carbon ở rừng ngập mặn.
"Tín chỉ carbon trong mô hình rừng ngập mặn góp phần tạo ra sinh kế cho người yếu thế, nên giá trị tăng thêm là điều tất yếu. Do đó, việc giá thành tín chỉ carbon đắt hay rẻ chưa đủ thông tin để kết luận", đại diện văn phòng Ban IV khẳng định.