Dù đã có những chính sách nhưng các chính sách về làng nghề chưa đi vào thực tế. Khi triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia thì trong chương trình nông thôn mới hay trong chương trình chính sách dân tộc đều có một mảng rất lớn là về làng nghề và hỗ trợ phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp.
Tuy nhiên, theo Thông tư số 53/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới, đối với nội dung hỗ trợ phát triển làng nghề đều dùng ngân sách nhà nước nhưng đến khi Bộ Tài chính sửa đổi 3 Thông tư số 53,46,15 của ba chương trình mục tiêu quốc gia hợp lại thành Thông tư số 55/2023/TT-BTC thì cắt phần hỗ trợ phát triển làng nghề gây ra rất nhiều khó khăn. Bởi lẽ, khi xây dựng các mô hình phát triển nghề nghề thì hàng năm đều bố trí tiền ngân sách để hỗ trợ. Điều này gây khó khăn, bất cập đối với công tác bảo vệ làng nghề.
Hiện nay, công tác bảo vệ môi trường làng nghề đã có chuyển biến, thứ nhất là nhận thức của người dân đã tốt hơn, thứ hai trong Luật Bảo vệ môi trường tại Điều 56 đã có quy định về bảo vệ môi trường. Cùng với đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có một chuyên đề trong chương trình xây dựng nông thôn mới về môi trường, trong đó môi trường làng nghề.
Để giải quyết ô nhiễm môi trường làng nghề của các hộ sản xuất, vấn đề tiên quyết lớn nhất chính là hương ước ở làng. Chỉ có con người ở đó với ý thức đầy đủ về làng nghề mới giải quyết được. Nếu chúng ta có cơ chế anh làm tốt thì mới được tham gia cộng đồng và ngược lại. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chưa có tiêu chí đánh giá hoạt động của làng nghề. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xác định có 3 vấn đề gồm môi trường, nguyên liệu và đào tạo.